Các cử tri Đức đã đưa ra lựa chọn của họ. Hiện giờ chỉ còn phụ thuộc vào việc các nhà lãnh đạo đảng phái thảo luận về việc quyết định ai sẽ là người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel và đâu sẽ là những ưu tiên chính trị.
Việc định hình Hạ viện mới của Đức hiện đã rõ ràng. Hiện đang có thế đa số dành cho một chính phủ liên minh 3 đảng, song vẫn phải mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng nữa tân chính quyền mới có thể chính thức đi vào hoạt động. Dưới đây là những quy trình sẽ diễn ra:
Điều gì sẽ xảy ra tiếp?
Theo truyền thống, đảng dẫn đầu sẽ điều hành chính phủ Đức, nhưng trường hợp này không phải lúc nào cũng xảy ra. Đảng này vẫn có thể trở thành đảng đối lập nếu các đảng khác thành lập một liên minh mà không có họ.
Điều này từng xảy ra vào năm 1976 và 1980, khi cố Thủ tướng Helmut Schmidt vẫn tại nhiệm dù đảng của ông chỉ xếp thứ hai.
Không có người giám sát tiến trình thành lập chính phủ mới cũng như không có thời hạn đối với tiến trình này. Các đảng phái sẽ tổ chức những cuộc thảo luận mang tính thăm dò để xác định xem đảng nào có nhiều điểm chung nhất, và một sự kết hợp của các đảng sau đó sẽ trở thành các cuộc thảo luận của một liên minh chính thức.
Các cuộc đàm phán này thường mang lại một thỏa thuận liên minh cụ thể, trong đó hoạch định các kế hoạch của chính phủ mới. Điều này thông thường sẽ cần một sự phê chuẩn của ít nhất là từ đại hội của các đảng tham gia liên minh.
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả, nổi lên là đảng mạnh nhất trong cuộc bầu cử hôm 26/9 vừa qua, đã tổ chức các cuộc bỏ phiếu cho toàn thể đảng viên vào năm 2013 và 2018 để ký các thỏa thuận gia nhập Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) trung hữu của bà Merkel với tư cách một đối tác thiểu số trong chính phủ liên minh.
Khi một liên minh sẵn sàng đi vào hoạt động, tổng thống sẽ đề cử một ứng viên trong Quốc hội giữ chức thủ tướng. Người này cần được đa số thành viên bỏ phiếu ủng hộ để chính thức trở thành thủ tướng.
Nếu 2 lần bổ nhiệm thủ tướng đều không đạt được đa số phiếu, Hiến pháp Đức cho phép tổng thống lựa chọn ứng cử viên dành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bỏ phiếu thứ ba làm thủ tướng, hoặc giải tán Hạ viện và tổ chức một cuộc bầu cử toàn quốc mới. Điều này chưa từng xảy ra.
Khi nào thì Merkel sẽ từ nhiệm?
Bà Merkel và chính phủ mãn nhiệm của bà sẽ vẫn tại nhiệm cho đến khi nào Hạ viện bầu ra được người kế nhiệm bà.
Liên minh sắp mãn nhiệm này hiện đang giữ kỷ lục là liên minh mất nhiều thời gian nhất để thành lập chính phủ, sau khi một nỗ lực thành lập liên minh thay thế bị thất bại.
Hạ viện Đức từng bầu bà Merkel làm thủ tướng cho nhiệm kỳ thứ tư của bà vào ngày 14/32018 - gần 6 tháng sau khi các cử tri Đức đi bầu vào ngày 24/9/2017.
"Tác dụng phụ" của tiến trình thành lập liên minh quá lâu có thể sẽ góp phần tạo ra một diện mạo khác cho di sản của bà Merkel.
[Đức: Đảng SPD muốn đàm phán lập liên minh cầm quyền trong tuần này]
Trong số các lãnh đạo dân chủ của Đức thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai, Merkel là người tại nhiệm lâu hơn tất cả, trừ Helmut Kohl, người đã dẫn dắt đất nước đi đến tái thống nhất trong giai đoạn ông cầm quyền từ 1982-1998.
Tuy nhiên, thời gian bà cầm quyền có thể lâu hơn ông Kohl nếu vẫn duy trì ở nhiệm sở đến ngày 17/12 tới.
Các đảng nào sẽ tham gia chính phủ mới?
Hiện có bốn đảng đang có tiềm năng thành lập một chính phủ mới. Kết quả gần như chắc chắn sẽ là một liên minh có đa số ghế trong Quốc hội.
Truyền thống Đức chưa từng chứng kiến các chính phủ thiểu số bởi một chính phủ như vậy thường bị coi là bất ổn và không mong muốn.
SPD của Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz hiện là đảng lớn nhất, nhưng cũng chỉ có 206/735 phiếu trong Quốc hội, nên vẫn còn thiếu nhiều phiếu để đạt được thế đa số.
Họ muốn xây dựng một liên minh với Đảng Xanh yêu môi trường và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) thân với giới doanh nghiệp.
CDU/CSU dưới thời người có tiềm năng kế nhiệm bà Merkel - Armin Laschet - cũng có thể thành lập được một chính phủ với 2 đảng nói trên.
Liên minh SPD-Xanh-FDP được dư luận Đức đặt tên là liên minh “đèn giao thông,” với các màu đỏ, xanh và vàng của các đảng; trong khi CDU/CSU dẫn đầu được gắn mác là liên minh Jamaica vì màu của các đảng là đen, xanh và vàng giống màu quốc kỳ của quốc gia Trung Mỹ này.
Cả hai khối này đều đã nỗ lực thành công trong các chính phủ ở cấp bang, nhưng không thành công ở cấp quốc gia.
Để đạt được sự nhất trí về bất kỳ liên minh nào nói trên đều không phải điều dễ dàng bởi Đảng Xanh trong những thập kỷ qua đều có xu hướng liên kết với SPD, còn FDP liên kết với CDU/CSU.
Hai đảng này có những ưu tiên khác nhau trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, vấn đề mà Đảng Xanh muốn đặt trọng tâm trong chương trình nghị sự của chính phủ mới, và trong cách thức lèo lái nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
FDP và CDU/CSU phản đối việc tăng thuế và nới lỏng các quy định chặt chẽ về việc gia tăng nợ công. SPD và Đảng Xanh thì muốn tăng thuế với những thành phần có thu nhập cao nhất, đồng thời tăng lương tối thiểu.
Tại châu Âu, CDU/CSU và FDP có xu hướng áp dụng một đường lối khắt khe hơn trong vấn đề hỗ trợ tài chính cho các quốc gia khó khăn.
Tuy nhiên, bất cứ liên minh nào trong số này đều không có nguy cơ vấp phải nhiều rắc rối từ những bất đồng lớn về chính sách ngoại giao, dù Đảng Xanh ủng hộ một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc và Nga, đồng thời phản đối dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt của Nga sang Đức.
Hiện cũng có một sự thay thế cho liên minh “đèn giao thông” hay “Jamaica,” đó là sự lặp lại của “đại liên minh” sắp mãn nhiệm gồm CDU/CSU và SPD, nhưng lần này là dưới sự lãnh đạo của SPD. Sự kết hợp của các đối thủ này đã điều hành nước Đức trong 12/16 năm Merkel cầm quyền và thường bị sụp đổ vì những trận cãi vã./.