Những trắc trở trong phát triển chương trình vũ khí mới của Mỹ

Dự án phát triển loại đầu đạn đánh chặn mới dùng trong hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất của Mỹ ước tính cần thêm khoản tiền khoảng 600 triệu USD vì “những quan ngại thiết kế chính."
Những trắc trở trong phát triển chương trình vũ khí mới của Mỹ ảnh 1Trụ sở Tập đoàn vũ khí Raytheon Co. (Nguồn: Bostonglobe)

Theo trang mạng Bloomberg.com, Dự án phát triển loại đầu đạn đánh chặn mới dùng trong hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất của Mỹ, do Tập đoàn vũ khí Raytheon Co. triển khai, ước tính cần thêm khoản tiền khoảng 600 triệu USD vì “những quan ngại thiết kế chính."

Đây là thông tin từ báo cáo của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Hoa Kỳ (Văn phòng Trách nhiệm Giải trình Chính phủ - GAO) công bố ngày 6/6.  

Hồi tháng 5/2017, tập đoàn này đã tiếp nhận hợp đồng trị giá 1 tỷ USD cho dự án phát triển loại đầu đạn nói trên. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, báo cáo của GAO cho thấy dự án này vẫn chưa được hoàn thành và chậm tiến độ ít nhất 2 năm. 

Báo cáo chi tiết nhất của GAO về loại đầu đạn cải tiến nói trên cho thấy Raytheon cần phải ứng phó trước “những bước tiến mới trong mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên."

Cụ thể, GAO đánh giá chương trình phát triển đầu đạn này đã “vấp phải những vấn đề về thiết kế, kỹ thuật hệ thống, đảm bảo chất lượng và chế tạo."

Báo cáo của GAO nói rõ Raytheon đang sử dụng một loại phần cứng làm sẵn để bán lẻ thương mại và các bộ phận tái sử dụng từ tên lửa đánh chặn của Hải quân Mỹ mà GAO trước đó đã bày tỏ quan ngại.

Cơ quan Phòng thủ tên lửa, một đơn vị của Lầu Năm Góc, đã đẩy mạnh dự án đầu đạn “Redesigned Kill Vehicle” của Raytheon bằng cách sản xuất loại đầu đạn này ngay cả khi nó vẫn đang trong quá trình phát triển và bằng cách “giảm số lần thử nghiệm cần thiết để sản xuất và đưa vào sử dụng” đầu đạn đánh chặn mới.

Chương trình “bung bét”

Cơ quan Phòng thủ tên lửa ước tính cần có thêm 600 triệu USD “để khắc phục” các vấn đề về hiệu suất hoạt động mà chương trình đã phát hiện ra từ cuối năm 2018 liên quan các bộ phận và thành phần “dùng lại," Cristina Chaplain - quan chức GAO giám sát báo cáo mới cho biết.

Những vấn đề này đã gây đảo lộn lớn đối với chương trình phát triển đầu đạn mới và khiến nó bị đình trệ 2 năm qua.

Người phát ngôn của tập đoàn Raytheon Mike Doble chưa đưa ra bình luận ngay lập tức nào.

Cơ quan Phòng thủ tên lửa đang yêu cầu cấp thêm 412,4 triệu USD trong năm tài chính tới đây để tiếp tục nghiên cứu về loại đầu đạn mới nói trên.

[Trụ sở Tập đoàn vũ khí Raytheon Co. (Nguồn: Bostonglobe)]

Michael Griffin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, hồi tháng Năm đã phát lệnh “ngừng chế tạo” cho tập đoàn Boeing, đơn vị quản lý hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Heather Babb cho rằng đây là một động thái rất hiếm hoi sau khi bộ phận này “nhận được những kết quả thử nghiệm gần đây” cho thấy “kế hoạch hiện tại không thể thực hiện được."

Lầu Năm Góc đã “đề xuất tiến hành phân tích đánh giá về các đường hướng hành động thay thế," nữ phát ngôn này nói thêm.

Phiên bản mới của loại tên lửa đánh chặn sẽ được sử dụng trong hệ thống (phòng thủ tên lửa mặt đất của Mỹ) trị giá 34 tỷ USD nhằm phát hiện và phá hủy bất kỳ tên lửa đạn đạo liên lục địa nào tiến tới Mỹ từ một nước đối địch như Triều Tiên hoặc Iran.

Đầu đạn “Redesigned Kill Vehicle” dùng trong tên lửa đánh chặn được thiết kế nhằm cải thiện đáng kể độ tin cậy của thế hệ đầu đạn hiện nay. Ngay cả trước khi có lệnh “ngừng chế tạo," phiên bản đầu đạn mới này sẽ không có cuộc thử nghiệm đầu tiên nào cho đến năm tài chính 2022 hoặc sẽ có thử nghiệm đánh chặn đầu tiên vào năm 2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục