Những yêu cầu của Chủ tịch Hà Nội về tiếp tục giãn cách xã hội

Tại công điện số 18, Chủ tịch thành phố Hà Nội lưu ý các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng các phương án cao nhất có thể cho điều trị, đảm bảo đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác.
Những yêu cầu của Chủ tịch Hà Nội về tiếp tục giãn cách xã hội ảnh 1Lực lượng chức năng nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chiều 6/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký công điện số 18/CĐ-UBND về tiếp tục thực hiện giãn cách toàn xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch COVID-19 đến 6 giờ ngày 23/8.

Kiên quyết yêu cầu người dân “Ai ở đâu thì ở đó”

Tại công điện này, Chủ tịch thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7; triển khai đảm bảo thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để đảm bảo hiệu quả, khống chế sự lây lan, kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội.

Lãnh đạo thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh và quy định cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 17; bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.

[Hà Nội chính thức giãn cách xã hội thêm 15 ngày để chống COVID-19]

“Chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếptrong trường hợp thật sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp bách cần thiết khác theo yêu cầu gắn với trách nhiệm của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị và việc kiểm tra giám sát của chính quyền các cấp tại cơ sở,” công điện nhấn mạnh.

Phải thực hiện phòng dịch từ gốc

Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu phải thực hiện chống dịch từ gốc, cần thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, đặc biệt là cách ly xã hội.

Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở nghiên cứu kỹ các văn bản, quyết định, hướng dẫn của Trung ương và thành phố để chủ động linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện đảm bảo công tác phòng chống dịch được kịp thời, hiệu quả, thực chất và phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của từng địa phương.

Tại các khu vực không có dịch "vùng xanh," lãnh đạo thành phố đề nghị mỗi người dân ngoài việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết cũng nên phát huy vai trò cũng tham gia thành lập các khu tự quản, thành lập "chốt bảo vệ vùng xanh" do chính khu dân vử lập nên.

Tại các khu vực có nguy cơ "vùng da cam" gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vụ, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, công điện 18 lưu ý Chính quyền cơ sở phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi đảm bảo các quy định phòng chống dịch, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát qua việc tiếp nhận các ý kiến giám sát của Nhân dân trên địa bàn hoặc qua công tác kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở.

“Mỗi cán bộ, công chức, người lao động, người dân nghiêm túc chấp hành việc khai báo y tế bằng mã QR Code khi đến làm việc, lao động hoặc mua sắm,” công điện nêu rõ.

Đối với khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly “vùng đỏ,” thành phố yêu cầu Chính quyền cơ sở quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế với diện tích phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và nguy cơ; chủ động quyết định các biện pháp cao hơn đảm bảo không để dịch bệnh lây lan trong khu vực và kiểm soát, khống chế trong thời gian ngắn nhất. Người dân trong khu vực chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của chính quyền cơ sở.

Truy vết, xét nghiệm trong thời gian ngắn nhất

Cũng tại công điện số 18, lãnh đạo Hà Nội đề nghị các đơn vị chức năng rà soát lại năng lực xét nghiệm của thành phố, huy động tối đa khả năng phối hợp giữa các cơ sở xét nghiệm đảm bảo năng lực đáp ứng các cấp độ, kịch bản, diễn biến dịch bệnh của thành phố; triển khai nhanh, hiệu quả các nền tảng công nghệ hỗ trợ truy vết, xét nghiệm… Tổ chức điều phối, chuyển mẫu nhanh từ nơi lấy mẫu đến các cơ sở xét nghiệm; đồng thời áp dụng việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý toàn bộ quy trình từ khi lấy mẫu đến trả kết quả.

Những yêu cầu của Chủ tịch Hà Nội về tiếp tục giãn cách xã hội ảnh 2Chỉ thị 17 yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Ngoài ra, căn cứ mức độ lây lan và tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn để quyết định các phương pháp xét nghiệm đảm bảo hiệu quả, an toàn và chính xác; cơ quan y tế và chính quyền cơ sở chủ động thực hiện việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo tình hình, mức độ dịch bệnh; linh hoạt trong từng tình huống đảm bảo đạt kết quả sàng lọc nhanh nhất, tranh thủ từng ngày, từng giờ, tránh bỏ sót nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, lãnh đạo Hà Nội đề nghị triển khai thử nghiệm việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu dưới sự giám sát của ngành y tế.

Sẵn sàng phương án cao nhất cho điều trị

Chủ tịch thành phố Hà Nội lưu ý các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng các phương án cao nhất có thể cho điều trị, đảm bảo đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; hoàn thành đưa vào sử dụng kịp thời các cơ sở thu dung, điều trị tháp nhiều tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Đặc biệt lưu ý phân biệt những người nhiễm không có triệu chứng với những người có triệu chứng (bệnh nhân) để tổ chức quản lý, theo dõi, trợ giúp y tế phù hợp, giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng; chủ động nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, kể cả huy động nguồn lực y tế của các ngành và tư nhân,” công điện số 18 nhấn mạnh thêm.

Sẵn sàng nguồn cung nhu yếu phẩm

Liên quan đến công tác hậu cần, mua sắm, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương lập danh mục các trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch và tổ chức mua sắm đảm bảo quy định, tiến độ và yêu cầu phòng chống dịch theo các mức độ, nguy cơ và tình hình dịch bệnh của thành phố.

Rà soát và trưng dụng các khu nhà ở, cơ sở giáo dục, công trình xây dựng… đủ điều kiện để làm cơ sở thu dung người nhiễm COVID-19 (không triệu chứng) với công suấtchuẩn bị 30.000 giường và tiếp tục rà soát để có thể nâng công suất lên 50.000 giường khi cần thiết.

Sử dụng hiệu quả phần mềm tiêm chủng

Thành phố cũng yêu cầu cơ quan y tế tổ chức tiêm vaccine nhanh, an toàn, hiệu quả; sử dụng phần mềm tiêm chủng, hướng dẫn người dân chủ động chuẩn bị, khai các thông tin đầy đủ trước khi đi tiêm; hướng dẫn những trường hợp đã có hồ sơ khám sức khỏe định kỳ, người không có bệnh nền, ký cam kết để giảm thời gian sàng lọc.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát

Chủ tịch thành phố nhấn mạnh việc tăng cường huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, đồng thời kêu gọi mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng chia sẻ, đồng hành, nỗ lựcvượt qua khó khăn, tích cực hưởng ứng, tham gia phòng chống dịch vì sức khỏe của chính mình, gia đìnhvà cộng đồng; huy động mọi nguồn lực của xã hội cho công tác phòng, chống dịch để sớm chiến thắng dịch bệnh,đảm bảo an toàn, bền vững cho Thủ đô, đất nước.

Những yêu cầu của Chủ tịch Hà Nội về tiếp tục giãn cách xã hội ảnh 3Việc thực hiện giãn cách xã hội phải đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+

Cùng với đó, Hà Nội đẩy mạnh và phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị cơ sở trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại từng tổ dân phố, khu dân cư... động viên, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt và nhân rộng các mô hình, cách làm tốt, hiệu quả trong phòng, chống dịch. Nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Không để khan hàng, sốt giá

Cũng tại công điện này, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu chính quyền các các cấp, các ngành chủ động các phương án tổ chức thực hiện để bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố, mất ổn định thị trường, thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, đầu cơ găm hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng, gây hoang mang trong dư luận.

Đặc biệt, người đứng đầu Ủy ban Nhân dân thành phố lưu ý đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho mọi người dân, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc; đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe, tinh thần cho Nhân dân ở mọi lúc, mọi nơi khi cần thiết, đảm bảo công tác an sinh xã hội, an ninh, trật tự trên địa bàn./.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ tùy thân và xác nhận đi làm, ra ngoài của cơ quan với người dân lưu thông trên đường Đào Tấn, Hà Nội, sáng 28/7. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ tùy thân và xác nhận đi làm, ra ngoài của cơ quan với người dân lưu thông trên đường Đào Tấn, Hà Nội, sáng 28/7. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hà Nội siết chặt việc thực hiện Chị thị 16 của Thủ tướng bằng việc thành lập nhiều chốt kiểm tra, yêu cầu người dân ra ngoài, đi làm phải có giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận đi làm có đóng dấu của cơ quan, đơn vị. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hà Nội siết chặt việc thực hiện Chị thị 16 của Thủ tướng bằng việc thành lập nhiều chốt kiểm tra, yêu cầu người dân ra ngoài, đi làm phải có giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận đi làm có đóng dấu của cơ quan, đơn vị. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Trong 4 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 24-27/7) đã có rất nhiều trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 bị xử phạt, tổng số tiền phạt là hơn 3 tỷ đồng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Trong 4 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 24-27/7) đã có rất nhiều trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 bị xử phạt, tổng số tiền phạt là hơn 3 tỷ đồng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Một chốt kiểm soát trên phố Đào Tấn. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Một chốt kiểm soát trên phố Đào Tấn. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ tùy thân và xác nhận đi làm, ra ngoài của cơ quan với người dân lưu thông trên đường Đào Tấn, Hà Nội, sáng 28/7. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ tùy thân và xác nhận đi làm, ra ngoài của cơ quan với người dân lưu thông trên đường Đào Tấn, Hà Nội, sáng 28/7. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Người dân xuất trình giấy tờ cần thiết khi qua chốt kiểm tra. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Người dân xuất trình giấy tờ cần thiết khi qua chốt kiểm tra. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tại Hà Nội, tính từ ngày 29/4 đến trưa 6/8 đã có 1.599 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 953 trường hợp tại cộng đồng và 631 trường hợp tại khu cách ly.

- Tính riêng từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nội có 1.099 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó từ thời điểm bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội từ 24/7 đến nay, sau 13 ngày, số ca mắc COVID-19 là 934 ca.

Cụ thể:
- Chùm ca bệnh liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh: 99
- Chùm ca bệnh liên quan đến Bắc Giang: 106
- Chùm ca bệnh liên quan đến Bắc Ninh: 19 - Chùm ca bệnh liên quan đến B6 Trại Găng (Hai Bà Trưng): 34
- Chùm ca bệnh liên quan đến Bùi Thị Xuân (Hai Bà Trưng): 43
- Chùm ca bệnh liên quan đến Tân Mai, Hoàng Mai: 108
- Chùm ca bệnh liên quan đến Nguyễn Khuyến, Đống Đa: 82
- Chùm ca bệnh liên quan đến nhà thuốc Đức Tâm: 108
- Ca bệnh phát hiện qua ho sốt tại cộng đồng thứ phát: 530
- Chùm ca bệnh liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga: 42
- Ca bệnh sàng lọc ho sốt tại cộng đồng (nguyên phát): 85
- Chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Phổi Hà Nội: 74
- Số ca đã được kiểm soát: 269

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục