Có lẽ trên đất nước Việt Nam, không có làng hoặc xã nào mà lại không có chợ, nơi ít thì cũng dăm ba quán nhỏ tụ họp ở nơi thuận tiện bên bờ sông, cạnh đình làng, đường làng. Đông vui thì chợ phủ, chợ huyện, chợ phiên, tuần họp đôi ba lần hoặc tháng họp bốn lần.
Chợ quê xưa thường là những túp lều nhỏ, cột tre mái lợp lá tranh hoặc rạ hay những quầy hàng được che phên, liếp trông dân dã mà gần gũi.
Các phiên chợ ngày Tết thường rất đông người. Người từ các nơi đổ về đông đến nỗi muốn đi qua chợ phải lách, phải gạt nhau ra mới đi nổi. Có lẽ hấp dẫn nhất với trẻ em ngày trước là hàng đồ chơi; những cái trống bỏi nho nhỏ làm bằng sắt tây sơn xanh, đỏ khi lắc kêu boong boong. Trẻ em vòi vĩnh mẹ mua câu đối Tết hay mấy bức tranh cá chép, tranh Lê Lợi, Quang Trung cưỡi voi đánh giặc; hoặc tranh nhau xem múa rối nước, rối que
Cũng đã có những đứa trẻ theo mẹ đi chợ mải chạy theo người bán kẹo kéo hoặc người nặn tò he hình Quan Công, Trương Phi, bông hoa hồng, cô gái mặc áo mớ ba mớ bảy được nặn bằng thứ bột dẻo quẹo có pha tẩm phẩm xanh, đỏ, tím, vàng mà rồi vì ham vui bị lạc không biết đường về, để rồi đêm ba mươi Tết có người tìm tới tận nhà trả con. Mẹ, con ôm nhau khóc khóc, cười cười.
Nói về chợ Tết quê, có các câu thơ “Người các làng xôn xao đi chợ Tết Những gánh hàng nặng trĩu đôi vai…” và “Thúng gạo nếp đong đầy như núi…“ rồi: “những chú gà bị trói kêu vang…”
Chỉ mấy câu thơ bình dị đó cũng phần nào giúp chúng ta cảm nhận ra được nét mộc mạc độc đáo của không gian náo nhiệt và sôi động, sự đơn sơ, bình dị nhưng rất gần gũi, thân thuộc của phiên chợ Tết.
Ngày Tết theo mẹ đi chợ, được mua cho bộ quần áo mới để đón xuân, dù là bộ quần áo nâu, hay vải phin trắng, phin xanh hoặc đôi dép cũng thấy phấn chấn, vui vẻ lạ thường.
Có lẽ khi ở tuổi trưởng thành, mấy ai mà không hình dung lại cảnh người mẹ nghèo lo mua quần áo, quà bánh, rượu, thuốc cho chồng, con nhưng lại rất ít chú ý mua sắm cho mình. Mẹ mua hương hoa, giấy tiền cho người đã khuất, mua lá dong, đỗ xanh, gạo nếp rồi nhẩm tính Tết này gói mấy đồng bánh chưng và đi Tết những đâu, sao cho không thua chị kém em.
Chợ Tết quê là sự giao thoa giữa sắc màu của một vùng đất nông nghiệp với đủ các sản phẩm do con người một nắng hai sương làm ra. Từ các loại gạo nếp, gạo tẻ, gạo tám thơm, đến rau xanh, quả gấc chín đỏ để đồ xôi, những phên đường mía, mật mía cho tới quả cam chín hồng, những quả bưởi vàng mơ.
Những quả cau nho nhỏ, những lá trầu xanh tới những con gà, con vịt, những mớ lá dong, những thúng đỗ xanh cho tới măng rừng, cá biển cũng hiện diện đầy đủ trong phiên chợ Tết; kẻ bán người mua tấp nập, ồn ào.
Vào những ngày giáp Tết, ở những chợ họp bên đường, bên sông, thuyền, xe xuôi ngược ra vào, chở đủ loại hàng hóa. Cảnh trên bến dưới thuyền quả là hữu tình thơ mộng.
Gần đây, kinh tế đất nước đang trên đà đổi mới, các chợ quê đã đổi thay nhiều. Những gian hàng được xây kiên cố và được chia thành nhiều quầy bán đủ các loại hàng hóa nội, ngoại, từ vải vóc, đồ dùng sinh hoạt, các món ăn chín, sống đến xe máy, tivi, tủ lạnh và quà tặng ngày xuân. Điều này chứng tỏ cuộc sống, kinh tế ở nông thôn Việt Nam đang thay da đổi thịt, đời sống được nâng cao cả tinh thần lẫn vật chất không thua kém gì thành phố, thị xã.
Nhưng dù sao trong lòng chúng ta vẫn thấy nhơ nhớ một cái gì đó của những phiên chợ Tết quê ngày xưa./.
Chợ quê xưa thường là những túp lều nhỏ, cột tre mái lợp lá tranh hoặc rạ hay những quầy hàng được che phên, liếp trông dân dã mà gần gũi.
Các phiên chợ ngày Tết thường rất đông người. Người từ các nơi đổ về đông đến nỗi muốn đi qua chợ phải lách, phải gạt nhau ra mới đi nổi. Có lẽ hấp dẫn nhất với trẻ em ngày trước là hàng đồ chơi; những cái trống bỏi nho nhỏ làm bằng sắt tây sơn xanh, đỏ khi lắc kêu boong boong. Trẻ em vòi vĩnh mẹ mua câu đối Tết hay mấy bức tranh cá chép, tranh Lê Lợi, Quang Trung cưỡi voi đánh giặc; hoặc tranh nhau xem múa rối nước, rối que
Cũng đã có những đứa trẻ theo mẹ đi chợ mải chạy theo người bán kẹo kéo hoặc người nặn tò he hình Quan Công, Trương Phi, bông hoa hồng, cô gái mặc áo mớ ba mớ bảy được nặn bằng thứ bột dẻo quẹo có pha tẩm phẩm xanh, đỏ, tím, vàng mà rồi vì ham vui bị lạc không biết đường về, để rồi đêm ba mươi Tết có người tìm tới tận nhà trả con. Mẹ, con ôm nhau khóc khóc, cười cười.
Nói về chợ Tết quê, có các câu thơ “Người các làng xôn xao đi chợ Tết Những gánh hàng nặng trĩu đôi vai…” và “Thúng gạo nếp đong đầy như núi…“ rồi: “những chú gà bị trói kêu vang…”
Chỉ mấy câu thơ bình dị đó cũng phần nào giúp chúng ta cảm nhận ra được nét mộc mạc độc đáo của không gian náo nhiệt và sôi động, sự đơn sơ, bình dị nhưng rất gần gũi, thân thuộc của phiên chợ Tết.
Ngày Tết theo mẹ đi chợ, được mua cho bộ quần áo mới để đón xuân, dù là bộ quần áo nâu, hay vải phin trắng, phin xanh hoặc đôi dép cũng thấy phấn chấn, vui vẻ lạ thường.
Có lẽ khi ở tuổi trưởng thành, mấy ai mà không hình dung lại cảnh người mẹ nghèo lo mua quần áo, quà bánh, rượu, thuốc cho chồng, con nhưng lại rất ít chú ý mua sắm cho mình. Mẹ mua hương hoa, giấy tiền cho người đã khuất, mua lá dong, đỗ xanh, gạo nếp rồi nhẩm tính Tết này gói mấy đồng bánh chưng và đi Tết những đâu, sao cho không thua chị kém em.
Chợ Tết quê là sự giao thoa giữa sắc màu của một vùng đất nông nghiệp với đủ các sản phẩm do con người một nắng hai sương làm ra. Từ các loại gạo nếp, gạo tẻ, gạo tám thơm, đến rau xanh, quả gấc chín đỏ để đồ xôi, những phên đường mía, mật mía cho tới quả cam chín hồng, những quả bưởi vàng mơ.
Những quả cau nho nhỏ, những lá trầu xanh tới những con gà, con vịt, những mớ lá dong, những thúng đỗ xanh cho tới măng rừng, cá biển cũng hiện diện đầy đủ trong phiên chợ Tết; kẻ bán người mua tấp nập, ồn ào.
Vào những ngày giáp Tết, ở những chợ họp bên đường, bên sông, thuyền, xe xuôi ngược ra vào, chở đủ loại hàng hóa. Cảnh trên bến dưới thuyền quả là hữu tình thơ mộng.
Gần đây, kinh tế đất nước đang trên đà đổi mới, các chợ quê đã đổi thay nhiều. Những gian hàng được xây kiên cố và được chia thành nhiều quầy bán đủ các loại hàng hóa nội, ngoại, từ vải vóc, đồ dùng sinh hoạt, các món ăn chín, sống đến xe máy, tivi, tủ lạnh và quà tặng ngày xuân. Điều này chứng tỏ cuộc sống, kinh tế ở nông thôn Việt Nam đang thay da đổi thịt, đời sống được nâng cao cả tinh thần lẫn vật chất không thua kém gì thành phố, thị xã.
Nhưng dù sao trong lòng chúng ta vẫn thấy nhơ nhớ một cái gì đó của những phiên chợ Tết quê ngày xưa./.
(Báo Tin Tức/Vietnam+)