Nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non nặng 500 gram người nước ngoài

Đây là trường hợp có tiền sử đặc biệt, khó khăn nhất trong các ca sơ sinh, non tháng Bệnh viện Phụ sản Trung ương từng điều trị, là thành tựu lớn của y học đặc biệt về sản bệnh và sơ sinh.
Niềm vui của các y bác sỹ và gia đình bệnh nhân khi em bé khoẻ mạnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Niềm vui của các y bác sỹ và gia đình bệnh nhân khi em bé khoẻ mạnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 3/1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương công bố đã nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non nặng 500gram người nước ngoài ở tuổi thai 25 tuần. Cân nặng khi sinh của bé trai là 500g.

Phó giáo sư Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đánh giá đây là trường hợp có tiền sử đặc biệt, khó khăn nhất trong các ca sơ sinh, non tháng bệnh viện từng điều trị, là thành tựu lớn của y học đặc biệt về sản bệnh và sơ sinh.

Khó nhất trong các ca sơ sinh

Chị B.N.D.J, người Canada gốc Việt, chồng chị cũng là người Canada. Sản phụ trên từng nhiều lần sảy thai do bệnh lý tiền sản giật. Mẹ bé 34 tuổi đã có thai trước đó 4 lần: 1 lần sảy thai ở tuần thứ 8, có 3 lần thai lưu từ tuần thứ 20-22w vì tiền sản giật.

[Xúc động khoảnh khắc những em bé chào đời ngày đầu tiên của năm mới]

Lần mang thai thứ 5 này chị Chị B.N.D.J, khi thai 12 tuần quyết định về Việt Nam và điều trị tăng huyết áp tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và theo dõi thai tại Bệnh viện Vinmec.

Khi thai sang tuần thứ 22, chị đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong tình trạng phù nặng, tiền sản giật.

Phó giáo sư Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay: “Khả năng sống của em bé rất thấp, trẻ rất chậm phát triển trong tử cung, suy dinh dưỡng, suy thai mạn tính. Chúng tôi biết là việc giữ em bé là rất khó nhưng vẫn cố gắng. Bởi mỗi ngày trong bụng mẹ, khả năng sống của em bé tăng lên 3%.”

Nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non nặng 500 gram người nước ngoài ảnh 1Đến nay, trẻ tương đương với tuổi thai khoảng 39 tuần, cân nặng 1800g. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bác sỹ mong muốn giữ được em bé qua 28, 29 tuần thai. Tuy nhiên, khi thai đến 25 tuần 6 ngày, hình ảnh siêu âm cho thấy bé có nguy cơ cao mắc viêm ruột hoại tử, dễ nhiễm trùng. Người mẹ tiền sản giật nặng, phù, bụng đầy nước, huyết áp cao. Nguy cơ đe doạ tính mạng mẹ và bé quá lớn, vì vậy các bác sỹ chỉ định mổ lấy thai ngay.

Với trường hợp tiền sản giật ngay từ khi có bầu như trường hợp này, các bác sỹ xác định chiến lược điều trị phải ưu tiên tính mạng, sự an toàn của mẹ, không để xảy ra biến chứng như co giật, rau bong non… Thai phụ được theo dõi thai chặt chẽ bằng mọi trang thiết bị hiện đại. Với em bé, ưu tiên lớn nhất là chọn thời điểm lấy thai.

Ca mổ lấy thai diễn ra nhanh chóng, ngay sau đó trẻ được đưa ngay đến Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ Sơ sinh để chăm sóc đặc biệt.

Nhận định đây là một trường hợp rất khó, bệnh tiền sử của người mẹ nặng nề. Bệnh tiền sản giật xuất hiện khi có thai, trẻ rất chậm phát triển trong tử cung, suy dinh dưỡng suy thai mạn tính. Chính vì vậy các bác sỹ với chuyên môn giỏi đã chỉ đạo trực tiếp ngay từ khi sản phụ nhập viện theo dõi thai và sau khi sinh.

Bệnh nhi được các y bác sỹ cho ăn sữa mẹ ngay từ ngày đầu và ăn hoàn toàn đường tiêu hóa vào ngày thứ 12.

Nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non nặng 500 gram người nước ngoài ảnh 2(Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiến sỹ Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho hay ngay ngày đầu tiên bé chào đời, điều dưỡng của trung tâm đều đặn 1,5 tiếng lại cho bé ăn một bữa 5 giọt sữa (nửa ml). Đến ngày thứ 12, lượng sữa tăng lên 9-10ml/bữa, trẻ bắt đầu nuôi được bằng đường tiêu hóa.
Trẻ về lại cân nặng lúc sinh khi 16 ngày tuổi.

Đón bé trai chỉ nặng 500 gram chào đời, các bác sỹ ngay lập tức đặt nội khí quản, bơm surfactant và chuyển xuống Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh để thở máy. Bé bị hạ huyết áp nặng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu nặng… Nhiều biện pháp như dinh dưỡng, massage, bơm surfactant sớm… được triển khai.

Nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non nặng 500 gram người nước ngoài ảnh 3Niềm hạnh phúc của vợ chồng chị B.N.D.J khi đón con đầu lòng khoẻ mạnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Do sinh non và cơ thể còn yếu nên trẻ phải trải qua chuỗi ngày dài sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp bởi ngày thứ 40, bé bị viêm phổi bệnh viện. Sau đó, bé phải thở máy 41 ngày, thở CPAP 15 ngày và thở oxy 20 ngày.

Tính đến nay, trẻ tương đương với tuổi thai khoảng 39 tuần, cân nặng 1800g. Đáng lưu ý, sau quá trình chăm sóc tỷ mỷ và cẩn thận của các y bác sỹ trẻ tự thở khí trời, có phản xạ bú tốt, siêu âm tim, siêu âm qua thóp chưa phát hiện bất thường.

Trẻ biết cười tự phát, massage thể hiện sự dễ chịu, mẹ được hướng dẫn chăm sóc theo phương pháp Kangaroo từ khi bé 76 ngày tuổi.

Viết tiếp thành tựu của y khoa Việt Nam

Theo các bác sỹ, trẻ sơ sinh non tháng có cân nặng dưới 500 gram thường có tiền sử sản khoa nặng nề, phần lớn các bé thường có tuần thai thấp, tình trạng chậm phát triển trong tử cung nặng. Các bé được cứu sống thường có di chứng nặng về thần kinh, bệnh phổi mạn tính…

Tiến sỹ Lê Minh Trác cho biết phát huy kinh nghiệm của nuôi sống thành công các trường hợp trẻ non tháng trước đó, đối với bé trai này, các bác sỹ đã áp dụng thành công chiến lược nuôi các bé sơ sinh cực kỳ nhẹ cân như đặt nội khí quản ngay từ đầu, massage sớm, cho ăn sớm.

Nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non nặng 500 gram người nước ngoài ảnh 4Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hiện nay có rất nhiều tiến bộ về việc cứu sống các bé dưới 500g. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo bác sỹ Trác, việc massage sớm giúp trẻ phát triển thần kinh, tác động vào thần kinh giúp phát triển hệ thống thần kinh, lưu thông máu huyết tránh trì trệ, hệ thống đường tiêu hóa phát triển. Thần kinh phát triển giúp hô hấp ổn định phát triển, tránh các cơn ngừng thở, tím tái, có phản xạ bú mẹ. Dầu massege ngấm qua da như một phần dinh dưỡng, khi massge vi khuẩn có lợi ở da phát triển tốt tránh viêm loét cho trẻ.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hiện nay có rất nhiều tiến bộ về việc cứu sống các bé dưới 500g. Phần lớn các trường hợp này đều có tuần thai rất thấp kèm theo chậm phát triển trong tử cung nặng.

Các bác sỹ của bệnh viện từng theo dõi, điều trị, nuôi dưỡng thành công nhiều trường hợp sơ sinh non tháng chào đời ở tuần thai thứ 25-27, chỉ nặng 500-600 gram và đây là trường hợp có tiền sử đặc biệt, khó khăn nhất trong các ca sơ sinh được cứu sống và nuôi dưỡng thành công.

Phó giáo sư Trần Danh Cường nhấn mạnh thành công này không chỉ là kết quả của việc chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh hết sức ngặt nghèo, chặt chẽ của bác sỹ sản khoa, nhi khoa. Những nỗ lực của các bác sỹ mang lại niềm vui không chỉ cho gia đình chị D.J. mà còn là niềm vui của như y học Việt Nam những ngày đầu năm, đặc biệt trong ngành sản khoa. Thành công này cũng "viết" lên hy vọng, niềm tin cho các bà mẹ không may mắc các bệnh lý khó về sản phụ khoa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục