Ô nhiễm môi trường làm giảm chất lượng sống của người dân Thủ đô

Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn tại một số huyện trên địa bàn Hà Nội đang ở mức đáng lo ngại, nguyên nhân do ý thức bảo vệ môi trường của người dân và một số doanh nghiệp còn kém.
Ô nhiễm môi trường làm giảm chất lượng sống của người dân Thủ đô ảnh 1Công nhân vệ sinh môi trường đô thị Gia Lâm thực hiện thu gom rác thải bên bờ sông Cầu Bây. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn tại một số huyện trên địa bàn Hà Nội đang ở mức đáng lo ngại. Nhiều huyện chưa thể về đích trong xây dựng nông thôn mới do chưa đạt tiêu chí về môi trường.

Nguyên nhân được chỉ ra là do ý thức bảo vệ môi trường chung của người dân còn kém. Một số doanh nghiệp vẫn lén lút xả thải chất thải ra môi trường; thực hiện sản xuất không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt, môi trường sống của người dân.

Để ngăn chặn các cơ sở xả thải, sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nhiều địa phương đã thực hiện kiểm tra, xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) từ tháng 4/2018 đến nay, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính đối với 47 tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm cho biết, giải quyết ô nhiễm môi trường được xem là nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong lộ trình trở thành quận vào năm 2020.

Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, huyện sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra xử phạt tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường.

Về lâu dài, huyện Gia Lâm đã có Kế hoạch số 216/KH-UBND với nội dung "Nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại huyện giai đoạn 2018-2020."

Theo đó, huyện đẩy mạnh phát động phong trào thi đua bảo vệ môi trường; ký cam kết bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất kinh doanh.

[Thu phí xe vào nội đô: Không phải ‘liều thuốc thánh’ giảm ùn tắc]

Ngoài ra, tổ chức thực hiện dọn vệ sinh môi trường toàn huyện vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần; khuyến khích xã hội hoá đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường…

Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn đang kéo giảm chất lượng sống của người dân.

Tình trạng rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nước thải... đang được đưa thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Hà Nội đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy đốt rác phát điện trọng điểm như: Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, 2 nhà máy xử lý chất thải rắn chuyển thành năng lượng tại Khu xử lý rác thải Xuân Sơn.

Thành phố cũng đang lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ). Cùng với đó, thành phố tập trung phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các nguồn phát sinh và kiểm soát nguồn khí thải gây ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí; tăng cường quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường.

Thành phố cũng xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường làng nghề và nông thôn; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

[Cần sự phối hợp đồng bộ để tái sinh 'dòng sông chết' Cầu Bây]

Khẳng định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ lớn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng chỉ ra các hạn chế như một số địa phương còn để rác tồn lâu ngày, tiến độ thực hiện các dự án về môi trường còn chậm, kết quả xử lý ô nhiễm chưa hiệu quả...

Để khắc phục tồn tại và đảm bảo môi trường sống tốt hơn, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố nhận thức rõ trách nhiệm của mình, coi trọng hơn công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; phân công, phân nhiệm rõ ràng; thường xuyên kiểm tra, xử lý cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục