Phát triển kinh tế dược liệu: “Kho báu” khởi đầu từ cộng đồng

Hiện nay, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về dược liệu, tuy nhiên vẫn chưa tạo được môi trường cạnh tranh công bằng. Đặc biệt, việc phát triển kinh tế dược liệu gắn với cộng đồng vẫn còn bị “bỏ lửng.”
Phát triển kinh tế dược liệu: “Kho báu” khởi đầu từ cộng đồng ảnh 1 Cây Ba Kích và Sa nhân tím mọc trong núi rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)
 Việt Nam có tiềm năng rất lớn về dược liệu, tuy nhiên, vẫn chưa tạo được môi trường cạnh tranh công bằng.

Các dược liệu có được tiêu chuẩn như GACP-WHO, được sản xuất “tử tế” vẫn phải cạnh tranh với các dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là dược liệu rác, dược liệu kém phẩm chất cả trong nước và nhập khẩu. Đặc biệt, việc phát triển kinh tế dược liệu gắn với cộng đồng vẫn còn bị “bỏ lửng.”

Để phát triển kinh tế dược liệu Việt Nam cần xây dựng một chuỗi giá trị khởi đầu từ cộng đồng. Các chuỗi này phải gắn với du lịch-văn hóa-thảo dược.

Phó giáo sư Trần Văn Ơn – Trưởng Bộ môn Thực vật (Trường Đại học Dược Hà Nội) đã nhấn mạnh như vậy tại buổi Tọa đàm kinh tế dược liệu Việt Nam trên nền tảng văn hóa thảo dược vừa diễn ra tại Hà Nội.

Dược liệu thua trên sân nhà

Phó giáo sư Ơn thẳng thắn, hiện nay dược liệu vẫn chưa được phát triển xứng đáng với tiềm năng, thậm chí còn đang bị “thua trên sân nhà” do không thể cạnh tranh với các dược liệu và sản phẩm dược liệu nhập.

[Xây dựng thành công những vùng trồng dược liệu 'trăm triệu']

“Hiện nay chúng ta coi nguồn tài nguyên dược liệu như một cái mỏ, chúng ta cứ đào, đào đến khi nào hết thì thôi. Đó là tình trạng chúng ta đang khai thác nguồn dược liệu này một cách bừa bãi ở các vùng miền khác nhau để xuất khẩu, để bán qua đường tiểu ngạch ở Trung Quốc. Tình trạng này dẫn đến việc cạn kiệt nguồn tài nguyên của Việt Nam.

Thứ hai, chúng ta coi dược liệu chỉ là làm ra thuốc, vì vậy nên bỏ lỡ một cơ hội rất lớn là chúng ta có thể đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là gắn kết phát triển dược liệu với du lịch, từ đó có thể có cơ hội tham gia vào thị trường lớn có giá trị hàng chục tỷ USD.  Vì vậy, chúng ta cần thẳng thắn nhìn lại cách thức sử dụng với dược liệu,” phó giáo sư Ơn phân tích.

Theo phó giáo sư Ơn, lâu nay nhiều người thường nghĩ thảo dược chỉ được dùng để làm thuốc. Tuy nhiên, ngoài phát triển dược liệu theo cách truyền thống là sản xuất dược liệu cho y học cổ truyền, công nghiệp dược… dựa trên các cách làm tại các địa phương, còn có thể có hướng nữa đó là phát triển dược liệu gắn với du lịch, dựa trên khai thác lợi thế so sánh về đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa các dân tộc bản địa. 

Gắn với phát triển du lịch

Đại diện lãnh đạo Trường đại học Dược cho hay, qua hơn 15 năm qua, hệ thống phát triển thảo dược tại cộng đồng của bộ môn Thực vật kết hợp với các doanh nghiệp đã hình thành các mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị khác nhau mang lại hiệu quả.

Đó là mô hình vườn cây thuốc nam gắn với trọng tâm du lịch. Đã có 2 vườn cây thuốc nam được hình thành tại Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) và Bái Đính (Ninh Bình), 1 vườn cây thuốc đang được đề xuất xây dựng tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Phát triển kinh tế dược liệu: “Kho báu” khởi đầu từ cộng đồng ảnh 2Công nhân chăm sóc giống cây dược liệu. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)


Mô hình doanh nghiệp trồng và cung cấp dược liệu chuẩn GACP-WHO cho sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại tỉnh Thái Nguyên; Mô hình tư vấn phát triển sản phẩm từ đặc sản địa phương như chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” tại tỉnh Quảng Ninh hay như mô hình phân phối bán hàng các sản phẩm bản địa: Thung lũng dược phẩm xanh Việt Nam.

Những năm qua, các mô hình thực tế đã được xây dựng thành công bước đầu và đạt được mục tiêu tài chính, phát triển hệ thống sản phẩm, hệ thống quản lý.

Theo các chuyên gia, để kết nối, hoàn thiện cũng như phát triển tối đa các mô hình và chuỗi giá trị với nhau, cần có thêm nguồn lực hỗ trợ từ các đối tác du lịch lữ hành, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cùng bắt tay xây dựng.

Như vậy để phát triển nền kinh tế dược liệu dựa trên nền văn hóa thảo dược thì cần hình thành các mô hình phát triển vùng trồng, chế biến, sản xuất tại cộng đồng, các điểm dừng chân, các vườn thảo dược… gắn với du lịch (văn hóa, trải nghiệm, nghỉ dưỡng/chữa bệnh…).

Bên cạnh đó, cần hình thanh các chuỗi giá trị, khởi đầu từ các doanh nghiệp tại cộng đồng, kết nối với các doanh nghiệp chủ chốt để kéo dài chuỗi giá trị; Liên kết với các doanh nghiệp du lịch tạo ra các chuỗi sản phẩm sản phẩm dược liệu sạch/hữu cơ từ nông trại đến bàn ăn; Nghiên cứu phát triển đa dạng hóa sản phẩm; Đào tạo nghiệp vụ trong chuỗi giá trị…

Chọn sản phẩm chủ lực

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Tuấn Cường - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho hay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, trong lĩnh vực thuốc thì dược liệu và các sản phẩm cho sức khỏe từ dược liệu được nhiều nhà khoa học và nhà quản lý thừa nhận có lợi thế về cạnh tranh hơn. Nguyên nhân là do Việt Nam có điều kiện tự nhiên ưu đãi, tính đa dạng sinh học...

Ngành dược liệu làm sao để trong 100 loại cây thảo dược chọn ra khoảng 3-5 cây để đẩy mạnh phát triển làm thuốc và hội nhập quốc tế. Chẳng hạn như Hàn Quốc họ chỉ tập trung vào hai cây là sâm và linh chi mỗi năm có thể xuất khẩu hàng tỷ USD.

“Vì vậy, trong các loài cây của dược liệu Việt Nam, chúng ta cần đẩy mạnh giá trị lên như sâm ngọc linh, ba kích... đưa công nghệ vào để phát triển từ khâu chọn giống đến bao tiêu sản phẩm đầu ra thành một chuỗi giá trị, từ thức ăn, đồ uống...” ông Cường chỉ rõ.

Ông Nguyễn Huy Văn – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco thì cho rằng, Việt Nam hiện nay có hơn 400.000 bài thuốc, vì vậy cần tập trung vào khai thác những nguồn tri thức đó. Trong xu thế hiện nay, y học cổ truyền không chỉ giới hạn ở việc cao lương hoàn tán mà phải ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản phẩm, từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, đóng gói...

Để khắc phục tình trạng này, theo các chuyên gia trong lĩnh vực dược, cần thiết phải xây dựng và triển khai lộ trình hàng rào kỹ thuật đối với dược liệu, theo hướng ưu tiên các dược liệu trong nước, dược liệu có tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục