Phát triển Sơn Tây thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch của Thủ đô

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được quy hoạch thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị vệ tinh cửa ngõ Tây Bắc thành phố.

Khách du lịch quốc tế tham quan Đình Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Vietnam+)
Khách du lịch quốc tế tham quan Đình Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Vietnam+)

Thị xã Sơn Tây là vùng đất cổ nằm ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội. Vị trí giao thông thuận lợi cùng kho tàng Di sản Văn hóa Vật thể, Phi vật thể phong phú, đa dạng chính là nguồn tài nguyên dồi dào để Sơn Tây phát triển du lịch với các sản phẩm đặc trưng.

Sơn Tây là quê hương của các vị Anh hùng Dân tộc và danh nhân như Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh...

Phát triển Sơn Tây thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch của Thủ đô ảnh 1Khách du lịch nghỉ dưỡng tại Asean Resort. (Ảnh: Vietnam+)

Sơn Tây hiện có 244 di tích và hàng trăm ngôi nhà cổ. Trên địa bàn thị xã có rất nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng như Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ ở Đường Lâm, hồ Đồng Mô, Khu sinh thái Asean Resort, Thảo Viên, Glory Resort, Làng Văn hóa-Du lịch các Dân tộc Việt Nam….

Hiện địa phương có 2 điểm du lịch được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận điểm du lịch là: Điểm Du lịch Làng cổ ở Đường Lâm và Điểm Du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn.

Với mong muốn xây dựng thị xã Sơn Tây đến giai đoạn 2025-2030 trở thành một trong những địa phương trọng điểm phát triển du lịch của Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với thị xã triển khai về ứng xử văn minh du lịch, du lịch cộng đồng cho dân cư.

Năm 2022, thị xã Sơn Tây đón 653.741 lượt khách du lịch; trong đó khách quốc tế 13.741 lượt, khách nội địa 640.000 lượt. Riêng điểm du lịch xã Đường Lâm đón 340.000 lượt khách.

[Khách quốc tế yêu thích trải nghiệm đón tết ở làng cổ Đường Lâm]

Những năm qua, Sơn Tây đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều mô hình, điểm đến du lịch mới như Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn (xã Sơn Đông), Văn Miếu-Sơn Tây (xã Đường Lâm); Đoài Creative, Phát Studio tại khu vực Làng cổ Đường Lâm cùng các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Tomodachi Retreat, Glory Resort…

Riêng xã Kim Sơn với tiềm năng du lịch sẵn có; trong đó thôn Lòng Hồ đang nổi lên là một điểm du lịch mới, hấp dẫn, với những trải nghiệm du lịch nông thôn độc đáo. Điểm du lịch thôn Lòng Hồ có diện tích đất tự nhiên 90ha với khung cảnh còn giữ gìn được nhiều nét hoang sơ, giáp hồ Đồng Mô.

Hiện nay, điểm du lịch Lòng Hồ đang khai thác các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, thảo dược, check in…

Cùng với việc phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có, thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, cùng các đơn vị du lịch triển khai nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn như Đề án xe điện phục vụ khách tham quan du lịch trên địa bàn thị xã; sản phẩm du lịch Đường Lâm mùa lúa chín; mô hình trồng hoa phục vụ du khách đến chụp ảnh; cafe làng cổ, sản phẩm ẩm thực cỗ sen, cơm quê tại các nhà cổ phục vụ du khách; một số dự án bảo tồn và phục hồi giống gà Mía, chè Cam Lâm, làm tương và các sản phẩm bánh kẹo truyền thống…

Phát triển Sơn Tây thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch của Thủ đô ảnh 2Khách du lịch chụp ảnh tại Thành cổ Sơn Tây. (Ảnh: Vietnam+)

Để đẩy mạnh phát triển du lịch thị xã Sơn Tây hiệu quả hơn, tiến tới hoàn thành mục tiêu của thành phố đề ra, Sở Du lịch phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây tập trung nguồn lực, định hướng quy hoạch phát triển, hình thành 3 khu du lịch chính: Khu Du lịch Đồng Mô (là khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng, trong đó có Làng Văn hóa-Du lịch các Dân tộc Việt Nam); khu Trung tâm thị xã-Thành cổ-đền Và-Làng cổ Đường Lâm (là khu du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng); Khu Du lịch Xuân Khanh (là khu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, du lịch sinh thái).

Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với địa phương hoàn thiện hệ thống quy hoạch theo hướng dành các quỹ đất rộng, vị trí đẹp cho phát triển loại hình cơ sở lưu trú; hướng dẫn các khu, điểm du lịch trên địa bàn thị xã thực hiện đầu tư, phát triển dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; nghiên cứu phát triển một số nhóm sản phẩm du lịch mới có tiềm năng như sản phẩm du lịch đường sông.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục