Quan chức Đức hối thúc hoàn thành dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Theo quan chức Đức, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có vai trò quan trọng đối với an ninh khí đốt của Đức và Liên minh châu Âu (EU), quan trọng đối với việc đa dạng hóa nguồn cung khí đốt.
Quan chức Đức hối thúc hoàn thành dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh 1Lắp đặt đường ống trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đông Bắc Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu với hãng tin Sputnik ngày 6/3, ông Johann Saathoff - điều phối viên của Đức về hợp tác liên xã hội với Nga, Trung Á và các nước Đối tác phương Đông, cho rằng việc bỏ dở dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đã gần như hoàn tất là đi ngược lại những toan tính về mặt kinh tế.

Theo ông Saathoff, hiện có khoảng 100 công ty tư nhân đang làm việc để hoàn thiện dự án đường ống hiện đã hoàn tất được 97% khối lượng công việc, do vậy, xét cả về những tính toán kinh tế và lợi ích kinh tế của đất nước, ông tin rằng "việc không hoàn thành dự án này sẽ là vô trách nhiệm."

Ông nói thêm rằng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có vai trò quan trọng đối với an ninh khí đốt của Đức và Liên minh châu Âu (EU), quan trọng đối với việc đa dạng hóa nguồn cung và là cây cầu giúp kết nối Đức với Nga và EU với mạng khí đốt của Nga.

Ông nhấn mạnh cần phải xây dựng và gìn giữ những kết nối này thay vì phá hủy chúng.

[Mỹ cân nhắc tăng cường trừng phạt dự án Dòng chảy phương Bắc 2]

Theo quan chức Đức, hợp tác năng lượng song phương sẽ mang lại lợi ích cho các mục tiêu khí hậu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, đồng thời bày tỏ mong muốn có thêm nhiều hợp tác tích cực hơn nữa về nguồn năng lượng tái tạo.

Dự án Nord Stream 2 là hệ thống 2 đường ống đưa khí đốt từ Nga sang Đức qua Biển Baltic, là vùng lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Nga và Thụy Điển.

Mỹ từ lâu chỉ trích dự án này, đồng thời đe dọa trừng phạt các công ty tham gia xây dựng đường ống.

Mỹ cũng đang tìm cách bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các mỏ đá phiến sang châu Âu, trong đó có một số quốc gia như Ba Lan, Latvia và Litva.

Cho đến nay, Đức vẫn phản đối việc ngừng hoàn tất dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục