Ngày 15/4, lực lượng bán quân sự chính ở Sudan cho biết quân đội đã tấn công và bao vây các doanh trại của lực lượng này ở phía Nam thủ đô Khartoum.
Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) cho biết quân đội đã tấn công chớp nhoáng vào các doanh trại của lực lương này ở Soba, sử dụng nhiều vũ khí hạng nặng và hạng nhẹ.
Người dân ở các khu vực khác ở trung tâm Khartoum và Bahri cũng nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn và tiếng đấu súng.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn nguồn tin tại hiện trường cho biết nhìn thấy nhiều xe kéo pháo và xe quân sự trên các đường phố.
Nhân chứng tại hiện trường còn nghe thấy tiếng đấu súng phát ra từ phía các trụ sở của cả lực lượng quân đội và RSF.
Cũng có thông tin xảy ra giao tranh tại sân bay Khartoum và RSF cho biết nhóm này đang kiểm soát sân bay.
Căng thẳng giữa lực lượng quân đội và RSF đã leo thang trong nhiều tháng nay, khiến các đảng phái chính trị ở nước này chưa thể ký kết một thỏa thuận được quốc tế ủng hộ nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp chính phủ trong nước.
Những căng thẳng hiện tại giữa lực lượng quân đội và RSF bắt nguồn từ việc hai bên bất đồng về cách sáp nhập RSF vào lực lượng quân đội và đơn vị nào sẽ phụ trách giám sát quá trình này.
Việc sáp nhập 2 lực lượng này là điều kiện quan trọng trong thỏa thuận chuyển tiếp chính phủ chưa được ký kết tại Sudan.
[Liên minh châu Âu lo ngại những diễn biến căng thẳng ở Sudan]
Ngày 5/4, Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC) của Sudan tuyên bố tạm hoãn việc ký kết thỏa thuận thành lập chính phủ dân sự phục vụ việc điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi diễn ra các cuộc bầu cử.
Tuyên bố của FFC cho biết các cuộc thảo luận về việc tái cơ cấu quân đội đã đạt được tiến triển nhưng vẫn chưa hoàn tất, dẫn đến việc ký kết bị trì hoãn.
Việc ký kết vốn được lên kế hoạch ban đầu vào ngày 1/4, trước khi được dời sang ngày 6/4. Tuyên bố không nói rõ việc trì hoãn sẽ kéo dài bao lâu.
Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa các bên trong thời gian qua là khung thời gian để sáp nhập nhóm bán vũ trang Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) vào quân đội, nội dung vốn đã được nhất trí trong khuôn khổ thỏa thuận được ký hồi tháng 12/2022 về giai đoạn chuyển tiếp mới.
Sudan đã lâm vào tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021, khiến quá trình chuyển đổi sang chế độ dân sự bị chệch hướng và gây khó khăn cho công tác viện trợ.
Tháng 1 vừa qua, các chính đảng của Sudan đã bắt đầu đàm phán về thỏa thuận chuyển tiếp cuối cùng nhằm thành lập chính phủ dân sự và giải quyết các vấn đề nổi bật khác.
Theo thỏa thuận sơ bộ đạt được giữa các nhóm chính trị tại Sudan vào tháng 12 năm ngoái, một chính phủ dân sự sẽ điều hành đất nước cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức và quân đội sẽ chuyển giao quyền lực và rời khỏi chính trường./.