Sinh viên Việt Nam dự thi tìm kiếm công nghệ quan trắc cho sông Mekong

Cuộc thi đưa ra nhiệm vụ cụ thể là phát triển công nghệ cảm biến đo xa để đo lường bốn chỉ số riêng gồm mực nước, lượng mưa, độ ẩm đất và chất lượng nước.
Sinh viên Việt Nam dự thi tìm kiếm công nghệ quan trắc cho sông Mekong ảnh 1Sinh viên trường đại học Cần Thơ của Việt Nam trình bày với Ban Giám khảo về ý tưởng sáng chế của nhóm. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều 30/3 tại thủ đô Vientiane, Lào, đã diễn ra cuộc thi tìm kiếm công nghệ hiện đại cho việc quan trắc sông.

Đây là cuộc thi dành cho sinh viên các trường đại học khu vực do Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) phát động nhằm phát triển các công nghệ bền vững và hiệu quả về chi phí để giám sát mực nước, lượng mưa, độ ẩm đất và chất lượng nước sông Mekong.

Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, tham dự cuộc thi có 14 đội đến từ các trường đại học thuộc 4 quốc gia thành viên MRC gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, trong đó Việt Nam có 4 trường gồm đại học Thủy lợi, đại học Cần Thơ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội

[Thúc đẩy sự phát triển bền vững ở lưu vực sông Mekong]

MRC đang duy trì khoảng 250 trạm quan trắc theo dõi các yếu tố ảnh hưởng đến dòng sông lớn nhất Đông Nam Á bao gồm thủy văn, lượng mưa, chất lượng nước, sức khỏe sinh thái, nghề cá và hạn hán.

Tuy nhiên, hầu hết công nghệ quan trắc hiện nay phụ thuộc vào trang thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài - thường đắt đỏ và đôi khi lạc hậu.

Chia sẻ với phóng viên, ông Santi Baram, phụ trách Chiến lược và Quan hệ Đối tác của Ban Thư ký MRC, cho biết việc tổ chức cuộc thi là nhằm khuyến khích sinh viên trẻ của các trường đại học tại 4 nước thành viên cạnh tranh sáng tạo phát triển các công nghệ với kỳ vọng có thể tận dụng được một số công nghệ “cây nhà lá vườn” do các trường nghiên cứu, qua đó giảm bớt chi phí giám sát sông Mekong.

Phát biểu khi phát động cuộc thi này vào tháng 10/2022, Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký MRC đã nhấn mạnh rằng, các giải pháp “cây nhà lá vườn” không chỉ có chi phí rẻ hơn, mà còn giúp phát triển năng lực chuyên môn địa phương và mang lại những lợi ích khác như thúc đẩy niềm tin rằng người dân Mekong có thể tự giải quyết các vấn đề của Mekong thông qua đổi mới, sáng tạo về công nghệ.

Cuộc thi đưa ra nhiệm vụ cụ thể là phát triển công nghệ cảm biến đo xa để đo lường bốn chỉ số riêng gồm mực nước, lượng mưa, độ ẩm đất và chất lượng nước.

Các bộ cảm biến này thường được lắp đặt trong các trạm riêng, hoặc ngoài trời trên các bờ sông, thường là ở các khu vực nông nghiệp.

Sinh viên Việt Nam dự thi tìm kiếm công nghệ quan trắc cho sông Mekong ảnh 2Sinh viên trường Đại học Thủy lợi của Việt Nam trình bày với Ban Giám khảo về ý tưởng sáng chế của nhóm. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ứng cử viên tham gia cuộc thi sẽ thiết kế một trạm phù hợp với địa hình, vị trí, thời tiết và chức năng của trạm; trạm có thể hoạt động dựa vào năng lượng Mặt Trời; và có khả năng thu thập cũng như gửi dữ liệu đo từ xa từ trạm đến máy chủ theo thời gian thực.

Đến từ Đại học Cần Thơ, nơi có dòng sông Mekong chảy qua, em Nguyễn Lê Hồng Nhung, sinh viên năm thứ 4 của ngành nông nghiệp công nghệ cao, cho biết ý tưởng của nhóm em là muốn phát triển một hệ thống đo độ ẩm đất để giúp người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng như nông dân vùng hạ lưu sông Mekong nắm được độ ẩm của đất và từ đó có thể quản lý tốt hơn đất  đai của mình.

Theo em Nhung, giới trẻ hiện nay hoàn toàn có khả năng thiết kế được những hệ thống rẻ tiền hơn và có chất lượng tốt hơn sản phẩm trên thị trường.

Mang đến cuộc thi thiết bị có thể thực hiện giám sát chất lượng nguồn nước, mực nước, lượng nước mưa, sinh viên Virbora NY, đến từ Học viện Bách khoa Campuchia, cho biết sông Mekong đang đối mặt với nhiều vấn đề, vì vậy thế hệ trẻ các nước hạ nguồn sông Mekong cần tham gia giải quyết các vấn đề của dòng sông bởi sông Mekong chảy qua rất nhiều nước và là nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nước, tài nguyên cá và nguồn phù sa giàu dinh dưỡng, đem lại sự sống bền vững dọc theo hai bờ sông. 

Đánh giá cao các ý tưởng đem đến cuộc thi, ông Santi Baram cho biết các sinh viên đã đưa ra nhiều ý tưởng thể hiện sự hiểu biết và rất sáng tạo, đặc biệt việc sống dọc theo sông càng giúp các sinh viên hiểu rõ hơn về những công nghệ cần áp dụng ở hạ nguồn sông Mekong.

Theo chương trình, các phần thuyết trình của 14 đội sẽ diễn ra trong hai ngày 30-31/3, từ đó chọn ra 4 đội chiến thắng dựa trên các tiêu chí gồm độ chính xác, độ bền, hiệu quả chi phí và tính đổi mới.

Lễ trao giải sau đó sẽ được tiến hành vào chiều 3/4. Sản phẩm của 14 đội sau đó sẽ được trưng bày tại trung tâm Hội nghị quốc gia Lào để lãnh đạo các nước MRC và quan khách tham dự Hội nghị cấp cao MRC thăm quan.

MRC cũng có kế hoạch sẽ phối hợp với các đội chiến thắng để triển khai các công nghệ của họ trên dòng Mekong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục