SpaceX lần thứ hai phóng vệ tinh dự án cung cấp Internet tốc độ cao

Vụ phóng nhằm thực hiện hóa tham vọng của SpaceX trong dự án Starlink cung cấp Internet tốc độ cao trên khắp thế giới.
SpaceX lần thứ hai phóng vệ tinh dự án cung cấp Internet tốc độ cao ảnh 1Một vụ phóng tên lửa của Space X. (Nguồn: gizmodo.com.au)

Tập đoàn Công nghệ thám hiểm không gian Space X của tỷ phú người Mỹ Elon Musk ngày 11/11 đã phóng thành công 60 vệ tinh nhỏ trong dự án Starlink lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Đây là lần thứ hai Space X phóng các vệ tinh trong dự án Starlink.

SpaceX đã phóng tên lửa Falcon 9 mang theo 60 vệ tinh này lên quỹ đạo Trái Đất từ căn cứ không quân Mũi Canaveral tại bang Florida, giống như vụ phóng mà tập đoàn này đã tiến hành vào tháng 5/2019.

Vụ phóng nhằm thực hiện hóa tham vọng của SpaceX trong dự án Starlink cung cấp Internet tốc độ cao trên khắp thế giới. SpaceX cho biết các vệ tinh của tập đoàn này sẽ hoạt động cho khu vực Canada và Bắc Mỹ vào năm tới. Để phủ sóng Internet đến hầu hết mọi nơi trên thế giới, sẽ phải cần ít nhất 24 lần phóng tương tự.

[SpaceX thực hiện nhiệm vụ phóng tên lửa khó khăn nhất lịch sử]

Chủ tịch tập đoàn Elon Musk hy vọng với Starlink, SpaceX sẽ kiểm soát 3%-5% thị trường Internet toàn cầu - một thị trường tiềm năng có doanh thu khoảng 30 tỷ USD mỗi năm. Nguồn thu từ Starlink có vai trò then chốt trong việc hỗ trợ chi trả cho mục tiêu lớn hơn của tỷ phú Musk là phát triển tên lửa và tàu vũ trụ chở người lên Mặt Trăng và thậm chí tiến tới đưa con người tới Sao Hỏa định cư.

Trong kế hoạch ban đầu, SpaceX dự kiến triển khai tổng cộng 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo từ nay tới năm 2027 để tạo ra một mạng lưới giống như một chòm sao siêu lớn. Tuy nhiên, gần đây, tập đoàn này đã được Chính phủ Mỹ cho phép triển khai thêm 30.000 vệ tinh nữa.

Việc triển khai 42.000 vệ tinh đã khiến một số nhà khoa học và giới thiên văn lo lắng khi cho rằng sự xuất hiện dày đặc của những khối kim loại sáng có thể làm suy giảm nghiêm trọng tầm nhìn ban đêm, cản trở hoạt động của kính viễn vọng cũng như dẫn đến va chạm giữa các vệ tinh.

Với tham vọng phủ sóng tới khắp nơi trên thế giới với tốc độ nhanh và giá rẻ, những vệ tinh thuộc dự án Starlink sẽ được phóng lên quỹ đạo thấp (khoảng 550km) nhằm giúp thời gian truyền tải Internet nhanh hơn rất nhiều và có thể tránh được tình trạng "chật chội" của quỹ đạo cao, nơi có hàng nghìn vệ tinh khác đang hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục