Sự cô đơn của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran và dấu hỏi 'snapback'

Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết Anh, Pháp và Đức nhất trí với mục tiêu của Mỹ là duy trì lệnh cấm vận, nhưng cần phải đạt được sự đồng thuận với Nga và Trung Quốc.
Sự cô đơn của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran và dấu hỏi 'snapback' ảnh 1Toàn cảnh nhà máy nước nặng Arak của Iran nằm cách thủ đô Tehran khoảng 320km về phía Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi đề xuất kéo dài các lệnh trừng phạt với Iran tại Liên hợp quốc của Mỹ bị thất bại, với một cuộc bỏ phiếu mà trong đó chỉ có 2 phiếu ủng hộ (một phiếu của Mỹ), Tổng thống Donald Trump ngày 15/8 đã lên tiếng tuyên bố sẽ sử dụng một công cụ gây tranh cãi nhằm đơn phương khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc với Iran, một động thái sẽ tác động lớn đến thỏa thuận hạt nhân Iran.

AFP dẫn tuyên bố của ông Trump trong một cuộc họp báo tại câu lạc bộ gôn của ông tại bang New Jersey, chỉ một ngày sau khi đa số áp đảo trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí bác bỏ một nghị quyết của Mỹ về việc kéo dài thời hạn lệnh cấm vận vũ khí với Iran, vốn sẽ hết hạn vào tháng 10 tới: “Chúng tôi sẽ thực hiện cơ chế 'snapback.' Các bạn sẽ được chứng kiến nó vào tuần tới.”

Mỹ thất bại “ê chề” nhưng vẫn đầy quyết tâm

Sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu được công bố, Tổng thống Iran Hassan Rouhani không giấu nổi sự hân hoan của mình khi tuyên bố Mỹ đã thất bại trong nỗ lực tiêu diệt cái mà ông gọi là thỏa thuận “chỉ có nửa hiệu lực” với các cường quốc, vốn trao cho Iran một sự nới lỏng trừng phạt để đổi lấy sự hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.

AFP dẫn lời ông Rouhani nói: “Âm mưu của Mỹ đã thất bại một cách ê chề. Ngày này sẽ đi vào lịch sử của Iran và lịch sử của cuộc chiến chống lại thái độ ngạo mạn trên toàn cầu.”

[Mỹ yêu cầu khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran]

Ngoại trưởng Iran Abbas Mousavi thì lên Twitter mỉa mai Mỹ chỉ nhận được sự ủng hộ của đúng một quốc gia là Cộng hòa Dominicana: “Trong lịch sử 75 năm của Liên hợp quốc, Mỹ chưa bao giờ cô đơn đến thế.”

Phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc cũng viết trên Twitter: “Kết quả này một lần nữa cho thấy chủ nghĩa đơn phương không được ủng hộ, và sự ức hiệp sẽ bị thất bại.”

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo về việc nghị quyết của Mỹ bị bác bỏ từ trước khi cuộc họp của Hội đồng Bảo an tiết lộ kết quả cuộc bỏ phiếu.

AP dẫn lời ông Pompeo cho biết Israel và sáu quốc gia Arab vùng Vịnh ủng hộ kéo dài lệnh cấm vận “hiểu rằng Iran sẽ gây ra những sự hỗn loạn và phá hoại còn lớn hơn nữa nếu như lệnh cấm vận hết hạn, nhưng Hội đồng Bảo an đã chọn cách phớt lờ họ.”

Sự cô đơn của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran và dấu hỏi 'snapback' ảnh 2Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Pompeo nói trong một tuyên bố: “Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ những người bạn trong khu vực, những người đã đặt kỳ vọng nhiều hơn vào Hội đồng Bảo an. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để bảo đảm rằng chế độ chính trị thần quyền khủng khiếp ấy không thể tự do mua bán các loại vũ khí đe dọa đến trái tim của châu Âu, Trung Đông và cả những nơi khác nữa.”

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft thì chia sẻ rằng Mỹ đã quá mệt mỏi, “nhưng không hề ngạc nhiên” khi đa số thành viên Hội đồng Bảo an "bật đèn xanh" cho Iran mua và bán tất cả các thể loại vũ khí truyền thống.”

Bà Craft cảnh báo: “Sự thất bại của Hội đồng Bảo an ngày hôm nay chẳng giúp gì được cho cả hòa bình lẫn an ninh. Thay vào đó, nó sẽ kích động sự xung đột lớn hơn và bất ổn an ninh nhiều hơn.”

Ông Pompeo cũng nhấn mạnh việc Mỹ có thể viện dẫn cơ chế "snapback" trong thỏa thuận hạt nhân 2015 mà theo đó sẽ khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt chống Iran.

Cơ chế "snapback" được xem xét trong trường hợp Iran bị chứng minh là vi phạm thỏa thuận mà trong đó họ đã được nhận hàng tỷ USD nhờ việc nới lỏng trừng phạt để đổi lấy sự hạn chế chương trình hạt nhân.

Năm 2018, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân (gọi tắt là JCPOA) giữa Iran và các cường quốc thế giới. Tuy nhiên, Mỹ ngày 13/8 đã đưa ra một bản ghi nhớ dài 6 trang từ các luật sư của Bộ Ngoại giao, trong đó giải thích lý do vì sao Mỹ vẫn là một phần trong nghị quyết năm 2015 của Hội đồng Bảo an, vốn chứng thực thỏa thuận này, và vẫn có quyền sử dụng cơ chế "snapback" - điều đã bị Trung Quốc phản bác.

Sức mạnh “hủy diệt” của cơ chế "snapback"

Theo RFI, về nguyên tắc, các lệnh trừng phạt Iran sẽ hết hạn vào ngày 18/10, dựa theo quy định của thỏa thuận hạt nhân Iran mà Tehran và các cường quốc đã ký kết hồi năm 2015.

Thất bại của Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không có gì đáng ngạc nhiên. Thế nhưng, cho dù thất bại, Mỹ vẫn có thể tiếp tục nỗ lực sử dụng một cơ chế có thể nhấn chìm Liên hợp quốc trong một cuộc khủng hoảng lịch sử - cơ chế "snapback."

Nói một cách cụ thể, cơ chế này sẽ cho phép Mỹ đơn phương buộc Liên hợp quốc khôi phục trở lại tất cả các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với Iran trước khi có thỏa thuận hạt nhân 2015.

Nếu cơ chế "snapback" được kích hoạt, đó sẽ là điểm khởi đầu của một cuộc tranh cãi kéo dài, và cuối cùng có thể sẽ làm suy yếu vai trò của Liên hợp quốc với tư cách là một định chế.

Đằng sau động thái này của Mỹ, một số người hiểu rằng điều Tổng thống Donald Trump muốn là khiến Mỹ không thể quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, trong trường hợp ông không tái đắc cử trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.”

Như vậy là với 2 phiếu thuận, 11 phiếu trắng, và 2 phiếu chống của Trung Quốc và Nga, kết quả cuộc bỏ phiếu về nghị quyết của Mỹ phơi bày sự chia rẽ giữa Washington và các đồng minh châu Âu kể từ sau khi Trump rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018.

Lời kêu gọi của Nga

Ngay khi cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an đang diễn ra ngày 14/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi tổ chức sớm nhất có thể một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an với Berlin và Tehran để bàn về hồ sơ Iran.

Ông Putin cũng chỉ trích những cáo buộc vô căn cứ nhắm vào Iran, những dự thảo nhằm phá hủy những quyết định đồng thuận trước đây của Hội đồng Bảo an.

AFP trích dẫn thông cáo của Điện Kremlin, trong đó nguyên thủ Nga cho rằng các cuộc thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về hồ sơ Iran ngày càng trở nên căng thẳng và tình hình thì đang xấu đi.

Sự cô đơn của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran và dấu hỏi 'snapback' ảnh 3Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại lễ ký thỏa thuận hợp tác sau cuộc hội đàm ở Moskva, Nga, ngày 16/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Tổng thống Nga, mục đích của thượng đỉnh này là nhằm ấn định các biện pháp giúp tránh xảy ra một cuộc đối đầu và tránh để tình hình tại Hội đồng Bảo an ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 15/8 cho biết khả năng là ông sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về Iran do Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất.

AFP dẫn phát biểu của ông tại một cuộc họp báo tại thị trấn Bedminster, New Jersey: “Có lẽ là không, tôi nghĩ chúng tôi sẽ đợi cho đến sau bầu cử."

Số phận của JCPOA

Kể từ khi Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử và đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran theo một chiến dịch “gây sức ép tối đa,” Tehran đã có những bước đi dù nhỏ nhưng ngày càng xa rời việc thực thi thỏa thuận hạt nhân mà họ ký kết để đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ, những nước đã từng cùng với Nga và Trung Quốc ký thỏa thuận với Iran, đã bày tỏ sự ủng hộ việc kéo dài thời hạn của lệnh cấm vận vũ khí thông thường, cho rằng nếu nó hết hạn thì sự ổn định ở Trung Đông sẽ bị đe dọa. Tuy nhiên, ưu tiên của họ vẫn là duy trì JCPOA.

Theo AP, các nhà ngoại giao châu Âu cho biết Anh, Pháp và Đức nhất trí với mục tiêu của Mỹ là duy trì lệnh cấm vận, nhưng cần phải đạt được sự đồng thuận với Nga và Trung Quốc.

Các quan chức giấu tên này cho biết châu Âu đã đưa ra một đề xuất thỏa hiệp nhưng Mỹ, Nga và Trung Quốc không thể hiện thiện chí thỏa hiệp với nhau.

Châu Âu cho biết chính quyền Mỹ muốn chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran trước cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 3/11 tới, cho thấy sức ép mà Mỹ đang cố gắng vượt qua không cho phép họ có thời gian để đàm phán.

Theo AFP, các đồng minh châu Âu của Mỹ lo ngại Washington vẫn sẽ thúc đẩy các lệnh trừng phạt, trong đó các chuyên gia cho rằng việc sử dụng cơ chế "snapback" đe dọa nhấn chìm Hội đồng Bảo an vào một trong những cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục