Sử dụng nano curcumin hướng đích điều trị ung thư: Con dao hai lưỡi

Điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa và phải xuất phát từ những cơ sở y tế uy tín mới có thể hiệu quả.
Người dân cần đến các cơ sở y tế uy tín để chữa theo phác đồ chuẩn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Người dân cần đến các cơ sở y tế uy tín để chữa theo phác đồ chuẩn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ước tính, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 126.000 bệnh nhân mắc mới bệnh ung thư, khoảng 94.000 người tử vong vì bệnh ung thư. Như vậy, mỗi một ngày có khoảng hơn 250 người chết vì bệnh ung thư trên cả nước.

Ung thư đang trở thành một gánh nặng cho nhiều bệnh nhân, gia đình và cho toàn xã hội.

[Đẩy mạnh hoạt động chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư]

Thời gian qua, trên nhiều diễn đàn sức khỏe, các nhóm facebook chia sẻ các ý kiến về việc sử dụng nghệ nano curcumin hướng đích có thể điều trị bệnh viêm loét dạ dày, thậm chí cả điều trị và phòng ngừa ung thư dạ dày, đại trực tràng.

Nghệ nano hướng đích có thực sự đem lại hiệu quả như lời quảng cáo? Phân tích về vấn đề này, giáo sư Đào Văn Phan - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý (Trường Đại học Y Hà Nội) đã có những chia sẻ để người dân hiểu hơn về công dụng thật sự của loại dược lý này.

Giáo sư Đào Văn Phan cho biết, nano curcumin hướng đích với việc gắn axid folic lên bề mặt nano curcumin giúp đưa curcumin với kích thước siêu nhỏ đến thẳng các tổ chức viêm và ung thư đang còn là vấn đề còn đang gây tranh cãi. Một số nghiên cứu tại các nước Tây Âu cho thấy rằng, bổ sung axid folic thường xuyên làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư do vai trò của nó đối với sự phát triển của tế bào.

Sử dụng nano curcumin hướng đích điều trị ung thư: Con dao hai lưỡi ảnh 1Giáo sư Đào Văn Phan. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nói về tác dụng của acid folic, giáo sư Phan chỉ rõ, acid folic chỉ có tác dụng hướng đích khi được bào chế dưới dạng phức hệ. Tuy nhiên, phức hệ này cũng cần có những nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng về độ hấp thu, độ an toàn khi dùng kéo dài, thường xuyên có gây kích thích phát triển tế bào ung thư hay không.

Chính vì vậy, việc dùng acid folic để điều trị ung thư cũng đang là vấn đề còn tranh cãi, cần thêm nhiều nghiên cứu mới có thể ứng dụng rộng rãi.

Vì vậy, giáo sư Đào Văn Phan khuyến cáo người dân trước những thông tin được cung cấp về khả năng điều trị khỏi các bệnh từ những lời quảng cáo “có cánh” cần hết sức thận trọng. Bởi với những vấn đề còn chưa rõ ràng, tiềm ẩn nhiều nguy hại thì cần cân nhắc kỹ và tìm đến sự tư vấn của chuyên gia, bác sỹ đầu ngành để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, với những phác đồ và phương thức tối ưu nhất.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ cần sử dụng 0,8 mg acid folic mỗi ngày có thể làm nguy cơ ung thư tăng lên. Do acid folic nếu dùng thường xuyên, liều lượng cao có thể thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các tế bào nhỏ gây ung thư chưa bị phát hiện hay còn gọi là tiền ung thư. Chính vì thế, dùng acid folic là "con dao hai lưỡi". Đặc biệt với những người bị viêm loét dạ dày tái phát thường xuyên, có nhiễm khuẩn HP thường tiềm ẩn nguy cơ ung thư cao, nếu sử dụng nghệ hướng đích - acid folic sẽ rất nguy hiểm.

Theo các chuyên gia ung bướu, hiện nay, việc điều trị ung thư chủ yếu dựa vào phương pháp điều trị phẫu thuật; điều trị xạ trị; điều trị hoá chất và điều trị nhắm đích ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư bằng cách cản trở các phân tử đặc hiệu liên quan đến quá trình sinh ung thư và sự phát triển của khối u.

Điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa và phải xuất phát từ những cơ sở y tế uy tín mới có thể hiệu quả.

Người dân không nên vì nghe đồn thổi hay những lời quảng cáo trên các trang mạng dễ dàng cả tin dẫn tới tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp không chính thống, chưa có cơ sở khoa học./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục