Sudan: Xung đột vẫn tiếp tục ở Khartoum bất chấp lệnh ngừng bắn

Nhiều người dân sinh sống tại Khartoum cho biết vẫn nghe thấy tiếng súng, tiếng nổ ở các khu vực khác nhau, đặc biệt là xung quanh trụ sở quân đội, Cung điện Cộng hòa, vốn là biểu tượng của quyền lực.
Sudan: Xung đột vẫn tiếp tục ở Khartoum bất chấp lệnh ngừng bắn ảnh 1Người dân sơ tán tránh xung đột tại Khartoum, Sudan ngày 18/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều người dân sinh sống tại Khartoum cho biết vẫn nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ ở các khu vực khác nhau, đặc biệt là xung quanh trụ sở quân đội và Cung điện Cộng hòa, vốn là biểu tượng của quyền lực.

Lệnh ngừng bắn trong 24h

Quân đội Sudan ngày 18/4 thông báo các bên xung đột tại Sudan đã chấp thuận ngừng bắn trong 24 giờ, bắt đầu từ 18h ngày 18/4 (giờ địa phương), (tức 23h cùng ngày giờ Việt Nam).

Kênh truyền hình Al Arabiya dẫn lời Tướng Shams El Din Kabbashi, thành viên của Hội đồng quân sự cầm quyền Sudan cho biết các bên đã nhất trí ngừng bắn sau lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken liên quan đến vụ đoàn xe ngoại giao của Mỹ trúng đạn, và lệnh ngừng bắn sẽ không được gia hạn sau thời gian trên.

Theo người đứng đầu RSF, lệnh ngừng bắn này nhằm đảm bảo an toàn cho lối đi của dân thường và sơ tán người bị thương.

[Sudan: Các bên xung đột chấp thuận sẽ ngừng bắn trong 24 giờ]

Tuy nhiên, ngay sau khi lệnh ngừng bắn trong 24 giờ giữa quân đội Sudan và Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự bắt đầu có hiệu lực từ 18h ngày 18/4, tiếng súng đã lại một lần nữa vang lên ở thủ đô Khartoum.

Rất ít người mạo hiểm ra ngoài đường vào thời điểm này ở Khartoum, chỉ trừ trường hợp bắt buộc phải ra ngoài để mua hàng thiết yếu và lương thực thực phẩm.

Một thành viên của Tổ chức Bác sỹ Sudan cho biết “cuộc chiến vẫn đang diễn ra” và “chúng tôi liên tục nghe thấy tiếng súng.”

Hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ

Hiệp Hội Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) cho biết tổ chức này "gần như không thể" triển khai các dịch vụ cứu trợ nhân đạo tại thủ đô Khartoum của Sudan trong bối cảnh giao tranh, đồng thời cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế của nước này có thể "sụp đổ."

Trao đổi với báo giới, Trưởng phái đoàn IFRC tại Sudan Farid Aiywar nêu rõ hiện tại, IFRC gần như không thể thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo ở trong và quanh thủ đô Khartoum, dù đã ghi nhận cuộc gọi từ nhiều tổ chức cũng như cá nhân bị mắc kẹt và có nhu cầu được sơ tán.

Ông Farid Aiywar nêu rõ: “Chúng tôi có hàng nghìn tình nguyện viên sẵn sàng, có khả năng và được đào tạo để thực hiện các dịch vụ nhân đạo… Thật không may, do tình hình hiện tại, họ không thể di chuyển." Ông kêu gọi tất cả các bên cho phép hành lang viện trợ nhân đạo được hoạt động.

Trưởng phái đoàn IFRC cũng cảnh báo hệ thống y tế của Sudan đang đối mặt nguy cơ sụp đổ nếu tình trạng gián đoạn do ảnh hưởng của giao tranh tiếp tục kéo dài.

Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các bên tham chiến của Sudan đảm bảo quyền tiếp cận viện trợ nhân đạo cho những người có nhu cầu, khi số người chết trong cuộc giao tranh đã lên tới gần 200 người.

Người phát ngôn của WHO Margaret Harris đã cảnh báo nguy cơ cạn kiệt nguồn cung thiết bị cấp cứu tại các bệnh viện ở thủ đô Khartoum, trong khi tình trạng mất điện khiến các dịch vụ y tế cơ bản nhất gặp trở ngại.

Phát biểu trước báo giới quốc tế, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Tất cả các bên phải đảm bảo quyền tiếp cận không hạn chế và an toàn tới các cơ sở y tế cho những người bị thương và những người cần được chăm sóc."

Các cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương.

Các nước láng giềng Ai Cập và Cộng hòa Chad đã đóng cửa biên giới với Sudan, trong khi các hãng hàng không của Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar đã ngừng các chuyến bay tới Sudan.

Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết Ngoại trưởng nước này Hoàng tử Faisal bin Farhan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken nhằm thảo luận về tình hình Sudan.

Trong khuôn khổ điện đàm, hai Ngoại trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngừng leo thang quân sự tại Sudan, chấm dứt tình trạng bạo lực, giảm căng thẳng, nhằm bảo vệ thường dân cũng như công dân các nước khác đang sinh sống và làm việc tại Sudan, góp phần đảm bảo an ninh và ổn định của quốc gia Đông Phi này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục