Ai Cập kêu gọi nước ngoài không can thiệp vào cuộc xung đột tại Sudan

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shourky nhấn mạnh các nước bên ngoài cần kiềm chế mọi can thiệp vào cuộc xung đột Sudan để không làm trầm trọng thêm của cuộc khủng hoảng này.
Ai Cập kêu gọi nước ngoài không can thiệp vào cuộc xung đột tại Sudan ảnh 1Khói bốc lên sau giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự RSF ở thủ đô Khartoum, ngày 15/4/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp của Saudi Arabia, Pháp, Djibouti và Nam Sudan, ngày 17/4, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shourky nhấn mạnh các nước bên ngoài cần kiềm chế mọi can thiệp vào cuộc xung đột Sudan để không làm trầm trọng thêm của cuộc khủng hoảng này.

Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry và người đồng cấp Saudi Arabia - Hoàng tử Faisal bin Farhan - đã nhất trí về sự cần thiết phải nỗ lực hết sức nhằm duy trì sự ổn định và toàn vẹn của nhà nước Sudan, đảm bảo an toàn cho người dân nước này.

Ông tái khẳng định quan điểm của Ai Cập rằng cả hai bên trong cuộc xung đột ở Sudan đều phải đưa ra các quyết định đúng đắn và sáng suốt, đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để chấm dứt gây thương vong cho dân thường và bảo vệ tài nguyên của Sudan.

[Đại sứ của EU tại Sudan bị tấn công tại nhà riêng ở thủ đô Khartoum]

Ngoại trưởng Shoukry và Hoàng tử Faisal đã đồng ý tiếp tục tham vấn trong những ngày tới, theo sát mọi diễn biến của cuộc khủng hoảng và nỗ lực ngăn chặn leo thang bạo lực.

Trong cuộc điện đàm khác, Ngoại trưởng Shoukry và Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và ngoại giao của Pháp Catherine Colonna thống nhất rằng các bên tại Sudan cần phải đạt được một lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt và giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán.

Cả hai ngoại trưởng cho rằng cần thúc đẩy những nỗ lực nhằm chấm dứt đổ máu ở Sudan để đưa đất nước Đông Phi này trở lại con đường chính trị hòa bình.

Ngoại trưởng Shoukry cũng đã thảo luận về những diễn biến mới tại Sudan với người đồng cấp của Djibouti Mahmoud Ali Youssouf và quyền Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế tại Nam Sudan Deng Dau.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh với cả hai bộ trưởng Djibouti và Nam Sudan về tầm quan trọng của việc giải quyết cuộc xung đột đang diễn ra trên cơ sở không can thiệp vào vấn đề nội bộ của Sudan và phản đối mọi sự can thiệp nào của nước ngoài có thể làm thêm tình hình trầm trọng.

Giao tranh trong ba ngày qua giữa quân đội Sudan và Các Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) bán quân sự ở nước này đã khiến khoảng 200 người thiệt mạng và 1.800 người bị thương.

Liên hợp quốc đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, trong khi các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bạo lực tại Sudan.

Ngày 17/4, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Washington không có kế hoạch sơ tán công dân của mình khỏi Sudan. Tình hình an ninh tại quốc gia châu Phi này đang diễn biến phức tạp, trong khi sân bay quốc tế tại đây vẫn đang đóng cửa.

Cùng ngày, Kenya đã công bố kế hoạch sơ tán 3.000 công dân khỏi Sudan.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Nairobi, quan chức Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề về người di cư - bà Roseline Njogu - cho rằng mặc dù không phận của Sudan bị đóng cửa, Kenya đã thành lập một nhóm kỹ thuật gồm nhiều cơ quan nhằm theo dõi diễn biến tình hình tại đây.

Theo bà, nước này đang gấp rút chuẩn bị công tác hậu cần nhằm sơ tán công dân, sau khi không phận của Sudan được mở trở lại và đảm bảo việc di chuyển công dân một cách an toàn.

Trước đó, sáng 17/4, hãng tin Reuters dẫn số liệu của nghiệp đoàn bác sỹ tại Sudan cho biết các cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) trong 2 ngày qua đã làm ít nhất 97 dân thường thiệt mạng, hơn 590 người bị thương.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo một số bệnh viện ở thủ đô Khartoum, nơi tiếp nhận dân thường bị thương trong giao tranh, sắp cạn kiệt nguồn cung máu, thiết bị truyền máu, dịch truyền và nhiều thiết bị cấp cứu khác.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án giao tranh tại Sudan khiến hàng chục dân thường thiệt mạng, trong đó có 3 nhân viên của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Bắc Darfur, đồng thời yêu cầu nhanh chóng tìm lại công lý cho các nạn nhân.

Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh cam kết phối hợp với các lãnh đạo khu vực và các bên ở Sudan tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Guterres cũng đề nghị “các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm nghĩa vụ đảm bảo an toàn và an ninh cho tất cả các nhân viên và tài sản của Liên hợp quốc."

Tình hình tại Sudan làm dấy lên lo ngại trong khu vực. Các nước láng giềng Ai Cập và Cộng hòa Chad đã đóng cửa biên giới với Sudan trong khi các hãng hàng không của Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar đã ngừng các chuyến bay tới Sudan.

Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL), Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD, trong đó Sudan là thành viên) và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích bạo lực và kêu gọi các bên đối thoại nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục