Tắc tín dụng do DN chưa có kế hoạch kinh doanh tốt

Để giải quyết mâu thuẫn vốn thừa trong ngân hàng, thiếu trong sản xuất thì điểm mấu chốt vẫn là doanh nghiệp phải đáp ứng được điều kiện vay.
Ngày 31/5/2013, tại Hà Nội, Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức hội thảo “Khơi thông nguồn vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, nhận định diễn biến nền kinh tế 5 tháng đầu năm 2013 còn gặp nhiều khó khăn và chắc chắn sẽ còn kéo đến năm 2015.

Theo ông Kiêm, nhiều khả năng lạm phát sẽ ở mức trên 6%, tuy nhiên vấn đề bây giờ là cần phải cứu được hoạt động sản xuất, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, nâng tổng cầu qua cải thiện sức mua.

“Hiện nay ngân hàng có vốn, doanh nghiệp thì thiếu vốn, nhưng nguồn vốn lại không khơi thông được. Tính từ đầu năm, tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm tăng 5% trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng trên 1% cho thấy tiền vốn có trong ngân hàng nhưng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp còn hạn chế,” ông Kiêm cho biết.

Ông Nguyễn Quang Hải – Giám đốc Công ty may Thiên Quang cho biết: “Hiện nay Công ty đang vay vốn lãi suất 10,9%/năm. Mức lãi suất có thể là chấp nhận được so với 2,3 năm trước. Tuy nhiên, nếu Nhà nước giảm được 1 - 2% nữa thì sẽ rất tốt cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu dùng nhiều lao động.”

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có may mắn được như Thiên Quang, trên thực tế số lượng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ là rất ít. Các đại biểu cho rằng, để giải quyết khó khăn thì chủ doanh nghiệp cần phải thực hiện thường xuyên việc hoạch định và phân tích dòng tiền sao cho hiệu quả, như vậy nguồn vốn vay từ ngân hàng mới giải quyết được khó khăn tồn đọng và giúp doanh nghiệp vực dậy, khơi thông được nguồn vốn vay hiệu quả nhất.

Trước thực trạng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cho biết: Thời điểm hiện nay, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều có khó khăn. Ngân hàng sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, nhưng doanh nghiệp phải đảm bảo đáp ứng được các điều kiện khi vay.

Thực tế tại VPBank, ông Vinh đưa ra dẫn chứng cứ 10 doanh nghiệp đến làm thủ tục vay vốn, thì chỉ có khoảng 3 doanh nghiệp là có thể đáp ứng các điều kiện và được vay. Điều này cũng gắn với thực tiễn là nếu lấy bình quân 10 doanh nghiệp thì có tới 7 doanh nghiệp đang có tình trạng giảm sút về hoạt động sản xuất, giảm doanh số...

Chia sẻ khó khăn này với doanh nghiệp, VPBank đã giới thiệu gói tín dụng 2.000 tỷ với mức lãi suất cạnh tranh, ưu đãi nhất hiện nay, giảm từ 1,5% đến 2,5%/năm so với lãi vay thông thường.

Đồng quan điểm với ông Vinh, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, cũng cho rằng doanh nghiệp muốn tiếp cận được vốn vay, cần phải chủ động chứng minh được năng lực, kế hoạch kinh doanh và khả năng trả nợ của mình. Bởi vì, với chủ trương khơi thông vốn cho doanh nghiệp, ngân hàng cũng phải hướng vào phát triển các ngành nghề có tiềm năng hiệu quả. Các sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định dòng vốn cho doanh nghiệp./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục