Tăng cường hợp tác Công-Tư để phát triển Văn hóa, Thể thao, Du lịch

Thủ tướng yêu cầu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch cần chủ động huy động nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác Công- Tư để phát triển ngành.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại hội nghị. (Ảnh: Trần Huấn/Vietnam+)
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại hội nghị. (Ảnh: Trần Huấn/Vietnam+)

Việc huy động nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác Công- Tư cho lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện nay còn nhiều hạn chế, do đó toàn ngành phải tháo gỡ khó khăn dần từng bước, ví dụ như triển khai hợp tác Công- Tư để khai thác Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình hay không gian các công viên.

Đó là quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 3/1.

8 giải pháp phát triển ngành

Tại Hội nghị, Thủ tướng nhận định năm 2024 sẽ nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2023, do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, không chủ quan, lơ là, cũng không bi quan, lo sợ trước những diễn biến phức tạp, mà phải tự tin hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa, sức mạnh nội sinh, sức mạnh con người Việt Nam, vượt qua thách thức, phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực này.

Thủ tướng lưu ý đặc điểm lớn của Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, do đó toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa hợp tác công tư, có tầm nhìn xa hơn nữa để phát triển.

tranhuan2-2212.jpg
Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Trần Huấn/Vietnam+)

Về phương hướng năm 2024, Thủ tướng chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trước hết là cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nuớc về văn hóa, nhất là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc.

Thứ hai, quyết tâm tạo đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh Chuyển đổi Số; khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Phát triển Văn hóa giai đoạn 2025-2035 và Chiến lược Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ ba, tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về di sản; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh, kinh tế tuần hoàn trong phát triển Văn hóa, Thể thao, Du lịch nhanh và bền vững.

Thứ tư, củng cố nâng cao hiệu quả, đổi mới mô hình hoạt động, cách thức quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về thể dục thể thao; đẩy mạnh phát triển thể thao thành tích cao chuyên nghiệp, tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao Việt Nam có lợi thế, đề xuất các giải pháp có tính đột phá trong việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển lực lượng vận động viên trẻ tài năng.

Thứ năm, tổ chức đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017; sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ sáu, quan tâm hơn nữa việc xây dựng đội ngũ cán bộ; chăm lo đời sống, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất thiết thực, nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện chính sách phù hợp đối với những người làm việc trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thứ bảy, đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết vùng, liên kết quốc gia và liên kết quốc tế.

Thứ tám, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Trung ương, giữa các địa phương, giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương, giữa các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đưa Công nghiệp Văn hóa thành trụ cột của kinh tế

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu nhất trí rằng hợp tác công tư là một trong những giải pháp để phát triển Công nghiệp Văn hóa, đưa Công nghiệp Văn hóa trở thành trụ cột của nền kinh tế.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình khẳng định phát triển Công nghiệp Văn hóa, Công nghiệp Sáng tạo có ý nghĩa quan trọng. Tỉnh đã xác định đây là hướng đột phá song cũng là công việc đầy khó khăn, phức tạp.

Ông Ngọc cho rằng cần phải thống nhất nhận thức về những vấn đề nằm giữa các lằn ranh có quan điểm khác nhau, làm cản trở việc chỉ đạo tổ chức thực tiễn, nhất là giữa phát triển các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng thụ bậc cao với nhu cầu giải trí phổ thông đại chúng; phục dựng, bảo tồn di sản và cổ trang hóa phục vụ cho phát triển công nghiệp văn hóa; duy trì, bảo tồn nguyên trạng di sản và nguồn lực hóa, tài sản hóa di sản cho phát triển du lịch.

Đặc biệt, ông Ngọc cho rằng cần tạo những đột phá về cơ chế thúc đẩy tài sản hóa các di sản, phát triển kinh tế thương hiệu, bảo vệ giá trị tài sản vô hình, hoàn thiện cơ chế tín dụng phù hợp gắn với định giá tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai cũng như tài sản trí tuệ gắn với Công nghiệp Văn hóa.

“Việc này nhằm tháo gỡ nút thắt cho các nhà đầu tư có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển Công nghiệp Văn hóa mà không thể lượng giá, thế chấp như các tài sản hiện vật; bên cạnh đó, cần mở rộng phạm vi danh mục đầu tư theo hình thức đối tác Công-Tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa (PPP),” ông Ngọc nói.

vna-potal-bo-van-hoa-the-thao-va-du-lich-trien-khai-nhiem-vu-nam-2024-7160850-3472.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu xem trưng bày ảnh tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Tùng/ TTXVN)

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho hay Sở đang tham mưu thành lập Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa.

Đây là nhân tố quan trọng tham gia dẫn dắt thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa còn đang bỏ ngỏ, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới.

“Thời gian qua, các dịch vụ văn hóa ngày càng được định hình, tạo thành sản phẩm mang tính đặc thù, tạo ra giá trị kinh tế, giá trị tư tưởng, thẩm mỹ để công chúng tiếp nhận, tiêu thụ. Đây là mô hình mới, đòi hỏi sự chặt chẽ nhưng chúng ta cũng không thể quá thận trọng để mất đi những cơ hội vàng trong lĩnh vực công nghiệp giải trí, sáng tạo,” ông Thuận nói.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết năm 2023, toàn ngành đã chủ động rà soát các “khoảng trống” trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật, đồng thời khơi thông nguồn lực, kiến tạo sự phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; ban hành chính sách đặc thù cho thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; bổ sung kinh phí đầu tư và định mức kinh phí từ các nguồn Chương trình Mục tiêu Quốc gia để tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nhất là đối với các tỉnh khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục