Chiều 25/6, Ban Chỉ đạo liên Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước đã họp định kỳ thảo luận về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô quý Hai năm 2015.
Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, đại diện Ban Chỉ đạo liên Bộ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, mục tiêu cuộc họp lần này nhằm đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng và bàn biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như xem xét các vấn đề đặt ra cho 6 tháng còn lại.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, qua đánh giá tình hình trong 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh CPI giảm thấp nhưng tăng trưởng nền kinh tế vẫn mạnh, đó là điều rất tốt. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với 3 thách thực lớn.
Thứ nhất là lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang giảm mạnh. Năm 2014 tăng trưởng khu vực nông nghiệp đóng góp 3,44% vào tăng trưởng GDP, trong khi 6 tháng đầu năm 2015 chỉ là 2,17%.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, nguyên nhân là do hạn hán ở miền Trung, xuất khẩu thủy sản khó khăn đã gây ảnh hưởng lớn tới giá trị sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản.
“Đây là vấn đề đáng lo cần chung lưng giải quyết bởi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, thu hút nhiều lao động, góp phần an sinh xã hội,” Bộ trưởng nói.
Thách thức thứ hai là vấn đề xuất nhập khẩu. Ba năm liên tục xuất siêu, cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng lên là rất tốt. Tuy nhiên 6 tháng đàu năm nay bắt đầu nhập siêu trở lại, đến nay đã nhập siêu khoảng 4,7% so với kim ngạch xuất khẩu, trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2015 chỉ là 5%.
“Nếu để nhập siêu vọt lên quá giới hạn 5% sẽ mất cân bằng cán cân thanh toán ngoại tệ và giảm thặng dư ngoại tệ, thậm chí lớn hơn gây ra áp lực cho tỷ giá, liên quan tới vĩ mô cũng là một thách thức lớn,” Bộ trưởng phân tích.
Do vậy, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, để giải quyết vấn đề này thì phải thúc đẩy xuất khẩu, nhất là tìm mọi cách thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp vì mang lại giá trị xuất siêu. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là các mặt hàng không thiết yếu, xa xỉ không cần thiết cho cuộc sống thì cần có hàng rào kỹ thuật để giảm nhập khẩu.
Thứ ba là đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái để thúc đẩy sản xuất trong nước. Đây là điều cũng rất quan trọng.
“Chúng ta nói công nghiệp chế tạo, chế biến đóng góp vào tăng trưởng rất lớn nhưng thực tế khu vực FDI chiếm tỷ trọng cao, kể cả trong giá trị gia tăng, đóng góp tăng trưởng GDP, trong giá trị xuất khẩu. Điều đó cũng tốt nhưng chúng ta cần có khu vực kinh tế của Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khối tư nhân phát triển mạnh để có thương hiệu Việt Nam, tự chủ được nền kinh tế tốt hơn,” Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, sẽ cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 tạo môi trường cạnh tranh, cấp “visa” cho nhà đầu tư, các điều kiện cho người lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng như có các chính sách ngăn chặn buôn lậu tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển. Đó là những việc phải làm để có một khu vực tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai.
Liên quan tới thu ngân sách, Bộ trưởng cho rằng dù bị ảnh hưởng do giá dầu mỏ thế giới giảm khiến nguồn thu từ xuất khẩu dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, khi giá dầu thế giới giảm cũng được lợi từ nhập khẩu xăng dầu, giá xăng dầu trong nước giảm khiến đầu vào các ngành, dịch vụ giảm theo nên thúc đẩy sản xuất tăng trưởng, GDP cao hơn và giá trị gia tăng tạo ra lớn hơn từ đó dẫn tới thu ngân sách cao hơn.
Sau 6 tháng điều hành, thu ngân sách bị hụt ở khu vực xuất khẩu dầu mỏ nhưng bù lại các khu vực khác ở trong tăng trưởng nên thu ngân sách trong quý Một và Hai luôn đạt và vượt mức kế hoạch đề ra./.