Thả 112 động vật hoang dã quý hiếm về Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

20 loài khác nhau với 112 con thú thả về rừng tự nhiên của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã được cứu hộ tại Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (nguồn gốc từ người dân tự nguyện giao nộp).
Thả 112 động vật hoang dã quý hiếm về Vườn Quốc gia Bù Gia Mập ảnh 1Thả thú hoang về rừng tự nhiên thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập. (Ảnh: TTXVN phát)

Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật-Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi thả 112 động vật hoang dã quý hiếm vào lâm phần của vườn.

20 loài khác nhau với 112 con thú thả về rừng tự nhiên của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã được cứu hộ tại Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (nguồn gốc từ người dân tự nguyện giao nộp).

Những con thú này đều là các loài thuộc Sách đỏ Việt Nam (năm 2007). Nhiều loài thuộc nhóm IB - cực kỳ quý hiếm (theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ) như, rái cá vút bé (Anoyx cinereus), kỳ đà vân (Veranus bengalensis), rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah)...

Được tiếp nhận từ nhiều nguồn, những động vật hoang dã này được đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên thuộc Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi chăm sóc, phục hồi sức khỏe, tâm lý và tập tính hòa đồng vào môi trường tự nhiên.

Trước đó, để thả 112 động vật hoang dã về môi trường tự nhiên, Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật rà soát từng loài có phân bố tự nhiên, khảo sát sinh cảnh rừng, điều kiện môi trường sống tự nhiên tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.

[Ninh Bình: Cứu hộ thành công hai cá thể cầy vằn bắc quý hiếm]

Kết quả khảo sát cho thấy, các loài động vật trên hoàn toàn phù hợp với điều kiện môi trường rừng, đảm bảo các loài được thả sớm hòa nhập môi trường tự nhiên tại vườn.

Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho biết, thời gian qua, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật-Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cũng đã tiếp nhận, tái thả những cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên thuộc lâm phần quản lý. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học tập trung chủ yếu vào hoạt động điều tra, giám sát các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý, hiếm.

Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật-Vườn Quốc gia Bù Gia Mập vừa phát hiện, ghi nhận bổ sung nhiều loài động vật, thực vật quan trọng như, loài lan đoản dực lào (brachypera laotica), lan drymoda siaensis, trà mi (camellia longii), lửng lợn (arctonyx collaris), chồn (musetelidae).

Ngoài ra, Trung tâm còn phát hiện được nhiều khu vực phân bố, hoạt động sống của các loài động vật quý hiếm như, voi châu á, bò tót, vượn đen má vàng, chà vá chân đen... Việc tái thả động vật hoang dã quý hiếm đã góp phần rất lớn trong việc làm giàu đa dạng sinh học, giúp hệ sinh thái rừng sinh trưởng và phát triển bền vững.

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích hơn 25.601 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 25.505 ha.

Theo thống kê đến đầu năm 2022, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có 832 loài động vật với 106 loài thú, 248 loài chim, 59 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư, 342 loài côn trùng, 49 loài cá, trong đó, có tới 61 loài động vật bị đe dọa, nguy cấp, quý hiếm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục