Thách thức đang chờ đồng tiền điện tử Libra của Facebook

Những nỗ lực nhằm tạo ra một hệ thống thanh toán toàn cầu thuộc sở hữu tư nhân của Liên minh Libra có vẻ như đã không có một khởi đầu hoàn hảo.
Thách thức đang chờ đồng tiền điện tử Libra của Facebook ảnh 1Tiền điện tử Libra. (Nguồn: tfsnglobal.com)

Stephen Bartholomeusz, nhà bình luận kinh tế hàng đầu Australia, đã đăng bài viết trên tờ Sydney Morning Herald nhận định về việc Liên minh Libra, tổ chức giám sát đồng tiền số Libra của Facebook, đã tiến hành cuộc họp hội đồng đầu tiên tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 14/10, bắt chấp sự "quay lưng" của nhiều công ty tài chính.

Nhà bình luận cho rằng những nỗ lực nhằm tạo ra một hệ thống thanh toán toàn cầu thuộc sở hữu tư nhân của Liên minh Libra có vẻ như đã không có một khởi đầu hoàn hảo.

Có 21 thành viên đăng ký trong cuộc họp khai mạc và hiệp hội đã bầu chọn ra một hội đồng. Mặc dù vậy, điều đáng nói là ngay trước khi ra mắt đồng Libra, hiệp hội này đã mất đi 1/4 số thành viên sáng lập.

Trong khi đó, bảy trong số các nhà tài trợ ban đầu có giá trị chiến lược mạnh nhất của dự án là Visa, Mastercard, Paypal, eBay, Stripe, MercadoLibre và Booking Holdings đều đã quyết định rút vốn trong những tuần trước khi diễn ra hội nghị thành lập hiệp hội.

[G7 cảnh báo tiền điện tử có thể đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu]

Các công ty thanh toán thẻ lớn và các đại gia thương mại điện tử, với chuyên môn sâu rộng trong hệ thống thanh toán toàn cầu và những mối quan hệ với các thương nhân, được coi là rất quan trọng để đồng Libra được các nhà hành pháp và giới thương nhân chấp thuận. Các công ty này đồng thời cũng cung cấp một giao diện giữa đồng tiền kỹ thuật số và các hệ thống tài chính truyền thống.

Nếu đồng Libra, hay bất kỳ đồng tiền kỹ thuật số nào khác, nhận được sự chấp thuận rộng rãi trên toàn cầu, thì nó cần phải dễ dàng được chuyển đổi thành tiền tệ pháp định truyền thống và ngược lại. Về điều này, các công ty thẻ và thanh toán lớn trên toàn cầu sẽ giúp giải quyết các thách thức đó.

Tuy nhiên, các công ty đã từ chối lựa chọn Libra, ít nhất tại thời điểm này, cũng là chìa khóa giúp đồng tiền điện tử sớm được chấp thuận. Chúng hỗ trợ tạo ra các hiệu ứng mạng lưới, có thể biến đồng tiền kỹ thuật số trở thành phương tiện chuyển đổi được chấp thuận rộng rãi. Hiện các đại gia thẻ và thương mại điện tử có vẻ như đang cố gắng bảo vệ mạng lưới hoạt động thanh toán toàn cầu của mình khỏi đồng Libra.

21 tổ chức duy trì cam kết với đồng Libra chủ yếu là tổ hợp các quỹ đầu tư mạo hiểm và công ty khởi nghiệp công nghệ, cùng với Facebook và Vodafone. Những công ty thanh toán thẻ dường như đang lo ngại trước những cảnh báo của Mỹ và các cơ quan quản lý, lập pháp khác, rằng đồng Libra không chỉ bị giám sát mạnh mẽ mà còn vì sự tham gia của các công ty này vào dự án có nghĩa là hệ thống thanh toán hiện hữu của họ cũng sẽ đối mặt với nhiều hơn nữa các cuộc kiểm tra không mong muốn.

Ông chủ của Facebook, Mark Zuckerberg, có lịch điều trần trước Ủy ban dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ vào cuối tháng này. Mặc dù chương trình nghị sự có phạm vi rộng, nhưng dự kiến ông Zuckerberg sẽ bị truy vấn gắt gao về tình trạng bảo mật và quyền riêng tư của đồng Libra.

Đây vốn là vấn đề dễ bị công kích đối với Facebook do vai trò của mạng xã hội này trong việc phát hành đồng Libra, cũng như đối với dự án đồng tiền kỹ thuật số. Điều đó có thể làm tăng thêm độ nhạy cảm đối với sự ổn định của dự án.

Thông báo về dự án Libra, được phát hành vào tháng Sáu vừa qua, đã không được chào đón rộng rãi, thậm chí ngay cả khi nó đã được thông báo trước với sự nhiệt tình và hăng hái từ Facebook và các nhà tài trợ khác. Có lẽ bản thân Facebook đã là một "thỏi nam châm" gây tranh cãi và chỉ trích. Điều đó tạo ra sự hoài nghi về tham vọng của Facebook với đồng Libra.

Nhìn rộng hơn, đồng Libra đã tạo ra phản ứng dữ dội từ các ngân hàng trung ương và các nhà chính trị "uyên bác," lo ngại về khái niệm hệ thống thanh toán toàn cầu không được kiểm soát, sở hữu và chỉ đạo bởi một nhóm các công ty vì lợi nhuận, phá vỡ các hệ thống thanh toán và ngân hàng theo quy định hiện hành.

Tác động đối với ổn định tài chính, quyền dữ liệu riêng tư, bảo vệ khách hàng, chế độ chống rửa tiền, trốn thuế, tội phạm mạng và chính sách tiền tệ là các đe dọa đã được đưa ra trong những diễn đàn của các nhà quản lý và lập pháp.

Pháp và Đức đã tuyên bố không cho phép đồng Libra hoạt động tại châu Âu trong khi Kho bạc Mỹ lên tiếng lo ngại và vấn đề "những đồng tiền ổn định" như đồng Libra đã được các Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bàn thảo.

Cơ quan tư vấn quốc tế, Ủy ban Ổn định Tài chính, đã phát triển một bộ tiêu chuẩn quy định toàn cầu cho các đồng tiền kỹ thuật số, như Libra. Họ hy vọng bộ quy định này sẽ được các nước thành viên G20 thông qua vào giữa năm sau.

Khi được công bố vào giữa năm nay, đồng Libra có một thời gian biểu tham vọng, hứa hẹn sẽ ra mắt vào nửa đầu năm tới. Các vấn đề chính cần được khắc phục là công nghệ, chứ không phải là quy định.

Tuy nhiên, đồng Libra hiện đã hoãn ra mắt cho tới cuối năm 2020 và đồng Libra cần sự chấp thuận theo quy định ở Mỹ và châu Âu trước khi có thể đi vào hoạt động. Tuy nhiên, điều này không dễ xảy ra.

Mặc dù vậy, Hiệp hội Libra có trụ sở tại Geneva vẫn tỏ ra lạc quan. Hiệp hội cho biết 1.500 công ty đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia dự án và khoảng 180 công ty đáp ứng tiêu chí thành viên.

21 thành viên hiện tại đã đóng góp mỗi công ty 10 triệu USD để trở thành thành viên của hiệp hội, có quyền bỏ phiếu cho các vấn đề của họ và cuối cùng là để chứng minh sự thành công và chia sẻ lợi nhuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục