Thanh khoản dư thừa, Big4 tiếp tục giảm mạnh lãi suất huy động

Các chuyên gia cho rằng, việc giảm lãi suất tiền gửi xuống thấp hơn nữa sẽ khiến chính sách tiền tệ bị vô hiệu hóa khiến Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

BIDV liên tiếp giảm lãi huy động trong vòng 3 ngày. (Ảnh: PV/Vietnam+)
BIDV liên tiếp giảm lãi huy động trong vòng 3 ngày. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hôm nay (13/12), nhóm ngân hàng quốc doanh, gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã đồng loạt giảm thêm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử còn 5%/năm, thấp hơn cả giai đoạn COVID-19. Thậm chí, trong nhóm này ngân hàng BIDV liên tiếp điều chỉnh trong 3 ngày.

BIDV hôm nay công bố biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến mới với mức giảm cao nhất lên tới 0,4%/năm. Theo đó, kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,4%/năm còn 2,7%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0,3%/năm còn 3,1%/năm; 6-11 tháng còn 4,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12-18 tháng là 5%/năm.

Trước đó, Ngân hàng BIDV 2 lần điều chỉnh giảm 0,1% lãi suất vào ngày 11/12 và 12/12 các kỳ hạn từ 1-11 tháng.

Tại VietinBank, mức giảm lãi suất lên tới 0,6%/năm với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo đó, lãi suất ngân hàng chỉ còn 2,6%/năm đối với kỳ hạn 1-2 tháng và 3%/năm đối với kỳ hạn 3-5 tháng.

Đối với kỳ hạn 6-11 tháng, mức giảm cũng lên tới 0,5%/năm, xuống chỉ còn 4%/năm; kỳ hạn 12-18 tháng cũng giảm 0,3%/năm xuống còn 5%/năm.

Trong khi đó, kỳ hạn từ 24 tháng trở lên được VietinBank giữ nguyên mức 5,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại nhà băng này và cao nhất trong nhóm Big4.

Tương tự, Agribank cũng giảm lãi suất huy động đối với mức giảm 0,3%-0,5%/năm. Theo đó, kỳ hạn 1-2 tháng giảm còn 2,6%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng còn 3,0%/năm. Kỳ hạn 6-11 tháng còn 4,0%/năm, 12-18 tháng giảm còn 5%/năm.

Tương tự 2 ngân hàng lớn trên, trong lần điều chỉnh này, Agribank cũng giữ nguyên mức lãi suất các kỳ hạn dài từ 24 tháng trở lên ở mức 5,3%/năm.

Đối với tiền gửi trực tuyến, Agribank tăng thêm khoảng 0,2%/năm so với tiền gửi tại quầy ở mỗi kỳ hạn, cao nhất là 5,3%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.

Trước đó, Vietcombank cũng giảm 0,2%/năm các kỳ hạn từ 1-11 tháng. Hiện, lãi suất tại Vietcombank thấp nhất nhóm các ngân hàng có vốn Nhà nước, cũng như hệ thống ngân hàng, với kỳ hạn 1-2 tháng là 2,2%/năm; 3-5 tháng là 2,5%/năm; 6-11 tháng là 3,5%/năm; 12-18 tháng là 4,8%/năm.

Kể từ đầu tháng 12 đến nay, 14 ngân hàng giảm lãi suất huy động là HDBank, Techcombank, Eximbank, KienLongBank, SCB, PGBank, MB, MSB, NamA Bank, ABBank, Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm mạnh trong thời gian qua là do hệ thống dư thừa thanh khoản. Các ngân hàng không đẩy được vốn ra thị trường do cầu tín dụng thấp, tăng trưởng tín dụng trong 11 tháng mới chỉ đạt gần 9,15%, trong khi mục tiêu cả năm là 14%-15%.

26194906-1674498545944564-1415650336-o-4804.jpg
Giảm lãi suất tiền gửi xuống thấp hơn nữa sẽ khiến chính sách tiền tệ bị vô hiệu hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều người đặt câu hỏi liệu lãi suất huy động có tiếp tục giảm nữa không và giảm tiếp thì sẽ xảy ra vấn đề gì?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế đánh giá, lãi suất huy động hiện giảm kịch sàn nên khó có thể kỳ vọng các ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm thêm. Hơn nữa, lạm phát năm nay được dự đoán trong khoảng 3,3%-3,5%, nên lãi suất huy động cũng phải neo ở mức tương xứng để đảm bảo mức lãi suất thực dương, thỏa mãn yêu cầu của người gửi tiền.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng lãi suất sẽ đi ngang ở mức hiện tại từ nay đến cuối năm. Sang đầu năm 2024, lãi suất có thể tăng nhẹ trở lại. Bởi tình trạng dư thừa tiền của các ngân hàng sẽ không thể kéo dài, một phần do nhu cầu về vốn từ nay đến cuối năm sẽ gia tăng nên vẫn phải duy trì mặt bằng lãi suất để hút tiền gửi từ người dân.

Hơn nữa, việc giảm lãi suất tiền gửi xuống thấp hơn nữa sẽ khiến chính sách tiền tệ bị vô hiệu hóa. Hay nói cách khác, khi đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ còn cách duy nhất là thắt chặt chính sách tiền tệ, chứ muốn nới lỏng thêm nữa cũng không được. Bên cạnh đó, nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm, dòng tiền có nguy cơ chảy vào các kênh đầu cơ khác gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế.

Dù lãi suất giảm mạnh, nhưng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác khá rủi ro, bất động sản đóng băng, người dân do vậy vẫn chọn tiết kiệm-kênh giữ tiền an toàn và sinh lợi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục