Toàn bộ Big4 tiếp tục giảm lãi suất huy động, cao nhất chỉ còn 5,3%

Trong vòng chưa đầy 1 tháng, cả 4 ngân hàng thương mại trong nhóm Big4 tiếp tục giảm lãi suất huy động thêm 0,2%, hiện mức cao nhất là 5,3% cho kỳ hạn từ 12-36 tháng.
Toàn bộ Big4 tiếp tục giảm lãi suất huy động, cao nhất chỉ còn 5,3% ảnh 1Agribank giảm thêm 0,.2% lãi suất huy động ở các kỳ hạn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo biểu lãi suất huy động mới nhất ngày 11/10, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm sâu lãi suất huy động vốn. Trong đó, lãi suất cao nhất tại 4 ngân hàng trong nhóm Big4 gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đều đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử còn 5,3%, thấp hơn cả giai đoạn COVID-19.

Đây là lần giảm lãi suất thứ hai liên tiếp của 4 ngân hàng này chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng (lần điều chỉnh lãi suất gần nhất là vào ngày 14/9 vừa qua, với mức giảm 0,1%-0,3%/năm).

[Tín dụng bất ngờ tăng gần 7%, doanh nghiệp vẫn mong lãi suất giảm tiếp]

Ngày 11/10, Agribank công bố biểu lãi suất huy động mới với việc tiếp tục điều chỉnh giảm 0,2% tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.

Cụ thể, lãi suất các kỳ hạn từ 3 tháng đến 5 tháng giảm từ 3,5% xuống 3,3%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng giảm từ 4,5% xuống 4,3%/năm.

Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đang được Agribank áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất là 5,3%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước đó.

Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và các kỳ hạn dưới 1 tháng được giữ nguyên ở mức 0,1% và 0,2%; các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng vẫn được hưởng lãi suất 3%/năm.

Tương tự, hai “ông lớn” khác là VietinBank và BIDV cũng đồng loạt giảm thêm 0,2% lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, đưa lãi suất cao nhất xuống còn 5,3%/năm.

Trước đó, ngày 3/10, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiên phong điều chỉnh giảm lãi suất huy động thêm 0,2%.

Vietcombank giảm 0,2% ở loạt kỳ hạn từ 3 tháng trở lên vào ngày 3/10. Mức lãi suất cao nhất tại Vietcombank hiện chỉ còn 5,3%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở lên.

Toàn bộ Big4 tiếp tục giảm lãi suất huy động, cao nhất chỉ còn 5,3% ảnh 2Khách hàng giao dịch tại BIDV. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Như vậy, toàn bộ nhóm 4 ngân hàng quốc doanh là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đều đã giảm lãi suất huy động cao nhất xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn COVID-19. Cụ thể, nhóm Big4 đã từng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm suốt giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022.

Hiện lãi suất của 4 ngân hàng này khá tương đương nhau, chỉ có một số khác biệt ở hình thức tiết kiệm online nhưng không đáng kể.

Big4 là các ngân hàng có mạng lưới hoạt động lớn nhất Việt Nam với các phòng giao dịch phủ khắp các địa phương trên cả nước. Đây cũng là những ngân hàng có quy mô tiền gửi khách hàng lớn nhất hệ thống.

Với việc chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi toàn hệ thống, động thái của nhóm ngân hàng Big4 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm mạnh trong thời gian qua là do hệ thống dư thừa thanh khoản. Các ngân hàng không đẩy được vốn ra thị trường do cầu tín dụng thấp, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng mới chỉ đạt gần 7%%, trong khi mục tiêu cả năm là 14%.

Toàn bộ Big4 tiếp tục giảm lãi suất huy động, cao nhất chỉ còn 5,3% ảnh 3Khách hàng giao dịch tại VietinBank. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong thời gian qua, trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng nhanh bằng cách cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tổng cộng 150 điểm cơ bản trong sáu tháng đầu năm 2023, xuống còn 4,50%.

Một số tổ chức quốc tế sự báo từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản nữa (xuống 3,50%), tuy nhiên cần cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý dù có giảm thêm lãi suất cho vay cầu tín dụng khó tăng mạnh. Ngược lại, nếu giảm lãi suất quá nhanh sẽ thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất trong nước và quốc tế, nhất là với lãi suất USD của Mỹ thì áp lực lên tỷ giá là khó tránh.

Vì thực tế, Việt Nam đã ngược dòng với các nước trên thế giới đang trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, thông qua việc giảm lãi suất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục