Thành phố Hồ Chí Minh tiêm vaccine Sinopharm theo nguyên tắc tự nguyện

Trong ngày 13/8, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm sau khi được Bộ Y tế đồng ý, cấp phép trên cơ sở tự nguyện, theo nhu cầu của người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh tiêm vaccine Sinopharm theo nguyên tắc tự nguyện ảnh 1Vaccine Vero Cell của Sinopharm được sử dụng tiêm chủng tại điểm tiêm số 1 Huyền Trần Công Chúa (Quận 1). (Ảnh: Thu Hương - TTXVN)

Tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 trên địa bàn, trong ngày 13/8, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm cho các đối tượng bảo trợ xã hội và tại một số điểm đã triển khai tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm cho người dân trên tinh thần tự nguyện, đồng ý của người dân.

Trong ngày, các đội tiêm vaccine của Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho gần 1.000 cán bộ, học viên và đối tượng bảo trợ xã hội tại các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. 

Theo ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện, Thường trực Tổ công tác đặc biệt của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại phía Nam, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 20.000 trường hợp còn lại tại các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy.

Ông Thắng cho biết trước mắt, Tổ công tác đặc biệt của Bộ tại phía Nam sẽ phối hợp, chỉ đạo Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch thành lập 5 đội tiêm để tiêm cho 5.554 đối tượng; trong đó, có 5.061 trường hợp được tiêm lần thứ nhất và 493 trường hợp là mũi tiêm thứ hai tại 13 các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Thành phố.

"Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng đang nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trong cơ sở xã hội, cao sở cai nghiệm ma túy là việc làm cấp bách. Đây là nhóm đối tượng sức đề kháng yếu, có nhiều người khuyết tật, người già có bệnh nền, nguy cơ lây nhiễm rất cao," ông Thắng nêu ý kiến.

Trước đó, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cũng đã kiến nghị với Ủy ban Nhân dân thành phố về việc tiếp tục đề nghị tiêm vaccine cho hơn 20.000 người tại các trung tâm bảo trợ xã hội và cơ sở cai nghiện ma túy; tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thân nhân ở cùng một hộ gia đình các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Sở.

Liên quan đến việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn, trong ngày 13/8, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm sau khi được Bộ Y tế đồng ý, cấp phép trên cơ sở tự nguyện, theo nhu cầu của người dân.

Theo ghi nhận tại điểm tiêm ở số 1 Huyền Trần Công Chúa (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) vào chiều 13/8, nhiều người dân có tâm lý thoải mái khi chuẩn bị tiêm vaccine sau khi được lực lượng y tế thông báo, giải thích cụ thể loại vaccine được tiêm.

[Fact-check] Thực hư chuyện người dân bỏ về vì tiêm vaccine Sinopharm]

Đại diện điểm tiêm chủng này cho biết trong buổi sáng, khoảng 50 người dân đã được tiêm; lượng người dân tới điểm tiêm vào buổi chiều đông hơn, chủ yếu là người dân trên địa bàn và nhân viên một số công ty tại quận 1.

Việc tiêm chủng tại điểm này diễn ra trong trật tự; người dân tuân thủ các quy định giãn cách, thông điệp 5K của Bộ Y tế. Ba bàn tiêm chủng và khám sàng lọc đã được bố trí tại điểm tiêm này, đảm bảo giãn cách, an toàn chống dịch.

Khu vực tiêm tổ chức khoa học với các khu vực đo thân nhiệt, khai báo y tế, khai báo thông tin, đo huyết áp, khám sàng lọc, tiêm vaccine và theo dõi sau tiêm, bảo đảm rà soát đúng đối tượng, thuận tiện cho người dân.

Thành phố Hồ Chí Minh tiêm vaccine Sinopharm theo nguyên tắc tự nguyện ảnh 2Vaccine Vero Cell của Sinopharm được sử dụng tiêm chủng tại điểm tiêm số 1 Huyền Trần Công Chúa (Quận 1, TP.Hồ Chí Minh). (Ảnh: Thu Hương - TTXVN)

Em Nguyễn Thành An (sinh năm 2002, ngụ tại phường Bến Thành, quận 1) cho biết: "Trước khi được thông báo đi tiêm, em đã tìm hiểu trước và đồng ý tiêm loại vaccine này. Được tiêm vaccine, em thấy rất yên tâm và thoải mái, bớt lo lắng phần nào trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp."

Vừa tiêm xong vaccine, chị Trần Duyên Thị Bảo An (ngụ tại phường Đa Kao, Quận 1) cũng cho hay trước khi tiêm bản thân cảm thấy rất lo lắng, hồi hộp nhưng sau 30 phút tiêm thấy cơ thể vẫn bình thường, không có phản ứng nào nên chị hoàn toàn yên tâm.

Cùng ngày, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng đã được phân bổ và tiếp nhận vật tư tiêm vaccine Vero Cell. Bác sĩ Nguyễn Văn Chức, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức cho biết, đơn vị đã nhận đủ lượng vaccine được phân bổ, đang sắp xếp đội tiêm, lên kế hoạch để có thể tiêm cho người dân vào ngày 14/8.

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Chức, tại mỗi điểm tiêm, bệnh viện sẽ bố trí một đội cấp cứu, đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho người dân trong quá trình tiêm chủng.

"Bác sỹ khám tư vấn tiêm vaccine này, nếu người dân đồng ý thì mới tiêm, trên tinh thần tự nguyện. Quy trình tiêm cũng đảm bảo các bước như các đợt tiêm trước, đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế," bác sỹ Nguyễn Văn Chức nói.

Trong ngày 13/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã cấp 44.000 liều vaccine Vero Cell cho các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Các địa phương sẽ xây dựng các kế hoạch tiêm phù hợp. Đây là loại vaccine nằm trong 5 triệu liều đã được Viện Kiểm định chất lượng quốc gia và Sinh phẩm y tế kiểm định chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng ngày 4/8/2021, đủ điều kiện để đưa ra sử dụng.

Tại Việt Nam, loại vaccine này đã được một số tỉnh, thành tiêm cho người dân như Hải Phòng, Quảng Ninh.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị y tế đã triển khai tiêm 19.000 liều vaccine Vero Cell, được phân bổ từ 500.000 liều được tài trợ trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục