"Để thúc đẩy thị trường thẻ phát triển, bên cạnh vấn đề bảo mật, an toàn thì có 2 chữ “tiện và lợi” phải đặc biệt quan tâm, vì dù có làm gì thì người dân cũng cần phải thấy tiện dụng, dễ dùng và tiếp đó phải thấy có lợi ích về kinh tế."
Đó là phát biểu của ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại hội thảo "Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai" do Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Báo Tiền Phong phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 26/9.
Thanh toán không tiền mặt len lỏi vào mọi lĩnh vực
Phát biểu tại hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ và trong đời sống hằng ngày. Trước đây, khi nói tới thanh toán thẻ không dùng tiền mặt chỉ thấy ở siêu thị lớn, giờ chúng ta có thể thấy ở mọi nơi, mọi hoạt động thường nhật.
Mọi hoạt động kinh tế đều liên quan tới thanh toán, từ mua tới bán dịch vụ, nhận và trả tiền. Hiện cả nước có hơn 100 triệu thẻ đã được phát hành tới người dùng, nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao. Đặc biệt, số hóa thẻ ngân hàng để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng.
[Giao dịch ATM giảm, xu hướng thanh toán không tiền mặt tăng rõ rệt]
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Minh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng nhận định thẻ là phương tiện thanh toán phổ biến và đã đi vào đời sống của người Việt Nam nhiều năm qua. Theo ghi nhận từ hệ thống NAPAS, số lượng và giá trị giao dịch rút tiền mặt ngày càng có xu hướng giảm đã cho thấy sự chuyển dịch thói quen của người dân từ rút tiền tại ATM sang sử dụng thẻ để thanh toán trực tiếp tại các điểm chấp nhận thanh toán như nhà hàng, siêu thị... và thanh toán mua hàng trực tuyến.
Cụ thể, tính tháng 8/2023, giao dịch rút tiền mặt tiếp tục giảm 15% về số lượng và 19% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số lưu ý, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã thay đổi.
Ông Minh dự đoán từ nay đến cuối năm sẽ còn giảm nhanh hơn nữa những giao dịch trên ATM.
Để thị trường thẻ phát triển mạnh mẽ hơn
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho hay Việt Nam thanh toán không tiền mặt tăng tương đối nhanh. Về số lượng giao dịch tăng đến 70% trong 3 năm, giá trị giao dịch tăng 35%.
Cũng theo ông Lực, Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển thanh toán không tiền mặt nói chung.
"Năm nay có 3 luật quan trọng Luật Đất Đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở được thông qua, chúng tôi đều tư vấn thanh toán không tiền mặt trong các giao dịch khi 3 luật này thực thi,” ông Lực nói.
Cũng theo ông Lực, hành lang pháp lý, định hướng của Ngân hàng Nhà nước về thanh toán không tiền mặt đã rất rõ ràng nhưng vẫn cần phải làm nhanh hơn.
"Đó là xu hướng, vừa là cơ hội, giúp cho Chính phủ chống tham nhũng. Thanh toán không tiền mặt là phương án chống tham nhũng hiệu quả thứ hai," ông Lực nhấn mạnh.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết vấn đề phát triển thẻ cần đảm bảo sự an toàn, tiện ích kết hợp làm sao người dân trong nước có thể sử dụng thẻ quốc tế. Hiện nay một số trường đại học kết hợp với ngân hàng thanh toán tiền học phí thông qua thẻ nội địa. Đây là hình thức rất mới, song vẫn còn chưa thuận tiện như Visa, Master nên trong thời gian tới cần phải cải thiện thêm.
Về góc độ chính sách, ông Hùng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Nghị định 101 để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thị trường thẻ phát triển.
Còn Tổng Giám đốc NAPAS cũng cho biết trong thời gian tới, với việc cập nhật liên tục xu thế phát triển công nghệ mới, NAPAS đã và đang triển khai số hóa thẻ lên thiết bị di động và hợp tác cùng các tổ chức thẻ quốc tế, các ngân hàng triển khai thẻ đồng thương hiệu cho phép khách hàng có thể chi tiêu bằng thẻ NAPAS tại nước ngoài một cách thuận lợi nhất, góp phần thúc đẩy thị trường thanh toán thẻ Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng hơn cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ của nền kinh tế.
Để thúc đẩy thị trường thẻ phát triển, Phó Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng, các tổ chức phát hành thẻ cần lắng nghe, ghi nhận phản hồi của người dùng về sản phẩm thẻ. Vì dù có nói hay, nhưng phản hồi của người dùng không tốt thì cũng không giải quyết được gì.
"Gần đây, tôi có nghe ý kiến từ các ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước cũng rất trăn trở vấn đề để phát hành thẻ, các ngân hàng đang giảm phí rất mạnh, có loại thẻ giảm tới 50% để hỗ trợ thanh toán thẻ, đặc biệt thẻ mang thương hiệu quốc tế. Như vậy có thể thấy các giải pháp từ cơ chế chính sách, kỹ thuật, kinh tế đã cơ bản đầy đủ để khuyến khích phát triển thị trường thẻ nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt,” ông Dũng khẳng định./.
Theo báo cáo của Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, trong 7 tháng năm 2023 giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng hơn 51% về số lượng. Số lượng thẻ lưu hành tính đến tháng cuối tháng 7/2023 đạt hơn 140 triệu thẻ; gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động và 10,8 triệu thẻ đang lưu hành, phát hành bằng eKYC. Hiện có 11 ngân hàng và 4 công ty tài chính đang đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. Đến cuối tháng 8/2023, có hơn 800.000 thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. |