Thí điểm tổ chức lại Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện

Thí điểm tổ chức lại Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận, huyện

Theo UBND TP.HCM, viêc tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thành Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ tạo cơ hội cho các đơn vị mở rộng chức năng, nhiệm vụ, sự tham gia của hệ thống chính trị.
Rào chắn thi công tại Dự án hầm chui An Sương. Công trình đã tạm dừng thi công từ cuối năm 2018 để chờ giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Rào chắn thi công tại Dự án hầm chui An Sương. Công trình đã tạm dừng thi công từ cuối năm 2018 để chờ giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Liên quan đến quản lý đất đai, lập và triển khai quy hoạch trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho thành phố được thực hiện thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện thành Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận huyện.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố, viêc tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thành Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ tạo cơ hội cho các đơn vị mở rộng chức năng, nhiệm vụ, có sự tham gia của hệ thống chính trị nên đạt được hiệu quả khi Nhà nước thu hồi đất, đảm bảo tiến độ giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Đồng thời, tăng cường tính tự chủ của đơn vị, có điều kiện cải thiện thu nhập cho cán bộ, viên chức cũng như khẳng định vai trò, vị trí của các đơn vị góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Hiện nay, nhiều dự án chậm tiến độ liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chủ yếu là do trình tự lập, thẩm định và phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất ở mất tới 180 ngày, dẫn tới việc không còn phù hợp với sự biến động nhanh của thị trường nên đa phần người dân không đồng thuận cao.

Việc xác nhận pháp lý hồ sơ nhà đất để bồi thường còn chậm; việc khảo sát, lập dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư còn nhiều hạn chế, tính tiên lượng chưa chuẩn xác, dẫn tới nhiều dự án phải điều chỉnh so với khảo sát ban đầu.

Trong khi đó, việc đo vẽ, kiểm tra nội nghiệp có sai sót thường phải chuyển qua nhiều công đoạn điều chỉnh, kéo dài thời gian xác lập hồ sơ.

Một số dự án, khi thực hiện bồi thường mới tiến hành tìm quỹ nhà, đất tái định cư nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài hơn nhiều so với quy định và không được sự đồng thuận của người dân.

Chính sách bồi thường thường xuyên thay đổi và nhiều chính sách chưa rõ ràng trong khi các dự án không sử dụng vốn ngân sách kéo dài nhiều năm dẫn tới việc các hộ dân so sánh, khiếu nại…

Vì thế cần thiết thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thành Trung tâm phát triển quỹ đất nhằm sắp xếp toàn diện và đồng bộ hệ thống đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiêt yếu có chất lượng ngày càng cao.

Đồng thời, giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách Nhà nước.

[Vi phạm về đất đai tại TP.HCM: Doanh nghiệp cầm đèn chạy trước ôtô]

Về vấn đề quy hoạch, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương, cho phép Ủy ban Nhân dân thành phố nghiên cứu lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 trên địa bàn huyện Cần Giờ song song với quá trình nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố, sau đó cập nhật nội dung trên vào Đồ án quy hoạch chung thành phố đang nghiên cứu, thiết lập theo quy định.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010; trong đó, có các khu vực chức năng, phân khu đô thị được đề xuất theo xu hướng mới, có khả năng tác động nhiều mặt đến cơ cấu, định hướng phát triển kinh tế xã hội, các ngành nghề sản xuất lâm nông ngư nghiệp, dân cư nông thôn, môi trường sinh thái, biển...

Hiện có sự khác biệt trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đã được phê duyệt về quy mô dân số huyện Cần Giờ (dân số theo ý tưởng đề xuất hơn 600.000 người nhưng hiện trạng là 300.000 dân), cùng với đó là sự khác biệt hướng tuyến cầu Cần Giờ kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố qua huyện Nhà Bè.

Ngày 1/2 năm nay, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 136/TTg-CN đồng ý việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý cho nghiên cứu lập quy hoạch Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ với diện tích lấn biến quy mô 2.870ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, thuộc khu vực phía Nam của huyện Cần Giờ và sẽ được cập nhật vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030.

Trên cơ sở đó, Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và đã được chấp thuận chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giờ dựa trên “Ý tướng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 huyện Cần Giờ” của đơn vị tư vấn đoạt giải theo kết quả chấm điểm của Hội đồng tuyển chọn.

Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã báo cáo thông qua Hội đồng Nhân dân thành phố về kết quả thi tuyển ý tưởng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 huyện Cần Giờ.

Theo kết quả thi tuyển ý tưởng quy hoạch của phương án đoạt giải (Công ty NIKKEN SEKKEI CIVIL ENGINEERING LTD - Nhật Bản), huyện Cần Giờ có cấu trúc đô thị mở, đề xuất 3 khu gồm Khu A (khu đô thị vệ tinh tại Bình Khánh), Khu B (khu bảo tàng sống, khu dự trữ sinh quyển), Khu C (khu đô thị sinh thái du lịch, kết hợp giữa khu đô thị hiện hữu và khu đô thị lấn biển mới).

Cả 3 khu này sẽ phát triển hài hòa kết hợp thành một đô thị “tự cung tự cấp” trong tương lai, nơi thiên nhiên và con người, cái mới và cái cũ cùng tồn tại và dung hòa thông qua việc cố gắng bảo tồn khu dân cư hiện hữu và tự nhiên (rừng ngập mặn, sông ngòi, kênh rạch,...), cũng như phát triển với mật độ thấp để thoát khỏi sự phụ thuộc xe ôtô và xe máy cá nhân, phát triển mô hình đô thị TOD (phát triển tập trung, chuyển tiếp), lấy phương tiện giao thông công cộng làm trọng tâm, kết nối với trung tâm thành phố bằng hệ thống BRT, các trạm buýt.

Huyện Cần Giờ ở vị trí cực Nam và là huyện ven biển duy nhất của thành phố, có khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo điển hình của vùng rừng ngập mặn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục