Sau Tết Nguyên đán 2022, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã "hạ nhiệt" song vẫn có dấu hiệu cho thấy những cơn sóng ngầm đang cuồn cuộn chảy.
Để ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo, việc kiểm soát thị trường bất động sản đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh phải có những giải pháp cấp thiết, kịp thời và hiệu quả.
Bài 1: Những cơn sóng ngầm
Tỉnh Đắk Lắk có quỹ đất rộng với diện tích tự nhiên hơn 13.125 km2. Trước Tết Nguyên đán 2022, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh sôi động, nhộn nhịp người bán người mua, nhất là ở những xã vùng ven thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện lân cận. Sau Tết, thị trường bất động sản tại tỉnh đã hạ nhiệt song những cơn sóng ngầm vẫn đang chảy.
Những cơn sóng ngầm
Theo ghi nhận của phóng viên, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hạ nhiệt sau Tết Nguyên đán 2022. Tuy nhiên, giao dịch mua bán trong dân vẫn diễn ra ở nhiều nơi, từ thành phố Buôn Ma Thuột đến các huyện xa xôi.
Giá đất nhiều nơi tăng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tiếp tục tìm mua đất, nhất là những mảnh đất có diện tích lớn, giáp ruộng, sông, hồ, suối.
Xuôi về xã Buôn Triết (huyện Lắk), địa phương cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 60 km, những mảnh đồi nơi đây đã được nhà đầu tư tìm mua từ trước Tết Nguyên đán. Hiện nay, mỗi đồi có giá từ 700 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, những đồi ven đập Buôn Triết đang được nhà đầu tư săn đón, trả từ 400-500 triệu đồng song người dân không bán. Anh M.T., một người dân của xã cho biết, nhà đầu tư vẫn đang vào xã lựa chọn mua những mảnh đồi ven đập để làm du lịch. Một số người dân đã bán để mua đất sản xuất gần khu dân cư, một số người đợi giá hợp lý mới bán.
Trước đó, những tháng cuối năm 2021, đặc biệt từ tháng 11/2021 đến những ngày cận Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản ở tỉnh Đắk Lắk nhộn nhịp, sôi động với lượng giao dịch gia tăng đáng kể. Sản phẩm được săn đón đa dạng, từ đất thổ cư, đất nông nghiệp đến đất đồi.
Biển rao vặt "Bán đất tại đây," "Cần bán đất"… kèm số điện thoại được dán trên khắp các tuyến đường ngoại ô thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện, thị xã. Trên mạng xã hội, các hội nhóm như "Chợ nhà đất Đắk Lắk," "Bất động sản Ea Súp-Buôn Đôn," "Bất động sản Ea Kar",… có hàng chục nghìn thành viên, thông tin mời chào cần bán và cần mua sôi động, nhộn nhịp mỗi ngày.
Già Y Aêkuit Niê, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết trước Tết Nguyên đán 2022, thị trường bất động sản trên địa bàn xã sôi động, giá tăng từ 150 triệu đồng/m ngang lên khoảng 200 triệu đồng/m ngang.
Thậm chí đường trục trung tâm xã, giá đất tăng gần gấp đôi, từ 220 triệu đồng/m ngang lên 400 triệu đồng/m ngang. Nhiều hộ dân ở xã đã bán bớt đất để có tiền trả nợ, đầu tư sản xuất, sửa hoặc xây nhà, mua ôtô.
Thông tin từ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Buôn Ma Thuột cho thấy, năm 2021, chi nhánh tiếp nhận, giải quyết trên 84.000 thủ tục hành chính về đất đai. Trước Tết Nguyên đán 2022, trung bình mỗi ngày, chi nhánh tiếp nhận hơn 570 hồ sơ sang nhượng, chuyển nhượng mục đích sử dụng đất.
Đặc biệt, ngày 11/1/2022, chi nhánh tiếp nhận 821 hồ sơ về lĩnh vực đất đai. Sau Tết Nguyên đán, lượng hồ sơ đến giao dịch giảm còn khoảng 267 hồ sơ/ngày.
Chị Hà Thị Mai Anh, Trưởng Bộ phận Hành chính tổng hợp chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Buôn Ma Thuột cho hay, thời điểm trước Tết Nguyên đán, cán bộ, nhân viên của chi nhánh phải làm việc và ăn uống tại chỗ, từ 6h30 sáng đến 21 giờ và có những ngày đến 23 giờ mới xong việc. Sau Tết, lượng hồ sơ giảm, cán bộ, công nhân viên chỉ tăng ca đến 19 giờ song vẫn có ngày, chi nhánh tiếp nhận 401 hồ sơ.
Theo ông Hoàng Xuân Phương, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Buôn Ma Thuột, qua giao dịch cho thấy, từ cuối năm 2021 đến nay, người dân ngoại tỉnh như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng… đến Đắk Lắk mua, giao dịch đất đai chiếm số lượng lớn.
Chi nhánh đã dự báo trước tình hình thị trường bất động sản sẽ sôi động sau khi tiêm bao phủ 2 mũi vaccine cho người dân. Do đó, chi nhánh chủ động thực hiện các giải pháp như tăng cường ca/quầy tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, cử đoàn thanh niên và tổ trực hướng dẫn người dân bốc số, nộp hồ sơ.
Hứa hẹn sôi động trở lại
Thị trường bất động sản tại tỉnh Đắk Lắk tạm lắng sau Tết nguyên đán và được dự báo sẽ nhộn nhịp, sôi động trở lại vào tháng 3/2022. Một số địa bàn vùng ven thành phố Buôn Ma Thuột như các xã Hòa Xuân, Hòa Khánh, phường Khánh Xuân, thị trường bất động sản đang sôi động song sức nóng chưa bằng thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Bạn Thiều Đức Vũ, sinh năm 1996, quê quán tỉnh Hà Tĩnh, cho biết Vũ đã đến Đắk Lắk và hoạt động trong lĩnh vực bất động sản từ 3 năm nay.
Những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhà nhà làm bất động sản, có những người bán lướt lãi 100 triệu đồng trong vài ngày.
Thị trường sôi động, có những khách ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai mua nhanh, không cần xem đất nên công việc của Vũ thuận lợi hơn.
Vũ dự đoán nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục nóng trở lại vì nhu cầu mua đất vẫn cao.
Dự đoán thị trường trong thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Kiều cho rằng, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục tiến triển đều. Nguyên nhân vì tỉnh đã bình ổn được dịch COVID-19, dòng tiền đang tiếp tục chảy vào thị trường.
Tỉnh đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nên kéo theo sự phát triển về cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho giá bất động sản tăng. Hơn nữa, chứng khoán và vàng đang là kênh đầu tư nhiều rủi ro, do đó nhà đầu tư sẽ lựa chọn đầu tư bất động sản. Đắk Lắk có quỹ đất rộng, giá tương đối rẻ so với nhiều tỉnh như Lâm Đồng, Đồng Nai nên được nhà đầu tư lựa chọn.
Ông Huỳnh Kiều khuyến cáo, khi thị trường sôi động, nhà nhà làm bất động sản sẽ mang lại nhiều rủi ro vì môi giới chưa qua đào tạo, chưa am hiểu cụ thể về thị trường, dòng tiền, tính pháp lý để tư vấn, hỗ trợ người mua.
Do đó, nhà đầu tư nên tìm hiểu pháp lý bất động sản, tìm hiểu những đơn vị và dự án chính thống để lựa chọn đầu tư hoặc đến phòng Tài nguyên Môi trường cấp huyện, Địa chính cấp xã để giao dịch minh bạch, rõ ràng, tránh "tiền mất tật mang."
Liệu có tiếp tục sốt ảo?
Giá đất tăng, thị trường hứa hẹn sôi động trở lại, nhiều địa phương đang tăng cường quản lý đất đai, ngăn chặn tình trạng giá đất ở một số khu vực sốt ảo như thời điểm trước Tết Nguyên đán 2022. Đặc biệt là siết chặt giải pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng xây dựng không đúng quy định trên đất nông nghiệp, tự ý mở đường để phân lô tách thửa.
Tại xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’Gar), giá đất tăng cao khi có thông tin Tập đoàn FLC đầu tư Tổ hợp Khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí và sân golf hồ Ea Nhái trên địa bàn. Hiện nay, đất nông nghiệp quanh hồ Ea Nhái có giá khoảng 1 tỷ đồng/sào, xa hơn thì khoảng từ 500 - 700 triệu đồng/sào, đất thổ cư cạnh hồ có giá khoảng từ 200 - 300 triệu/m ngang song dự án vẫn chưa triển khai.
Còn tại xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột là một câu chuyện điển hình về tình trạng sốt ảo đất theo "thông tin vỉa hè" về dự án. Ngày 3/12/2021, Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với tỉnh Đắk Lắk về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên.
Ngay sau khi có thông tin xây dựng bệnh viện, giá đất tại xã Ea Tu đã tăng từ 140 – 150 triệu đồng/m ngang đến hơn 200 triệu đồng/m ngang. Lượng giao dịch tăng đột biến, thị trường sôi động và chỉ chững lại, hạ nhiệt khi thông tin về vị trí xây dựng bệnh viện được xác định nằm ở phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột.
Ông Nguyễn Như Phong, nhân viên Địa chính-Xây dựng xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, giá đất tăng cao, nhiều hộ dân đã bán hết đất ở. Do đó, dự đoán năm 2022, tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp tại một số buôn sẽ phức tạp.
Ủy ban Nhân dân xã Ea Tu đã chỉ đạo hội đoàn thể, ngành chức năng tăng cường kiểm tra giám sát, tuyên truyền vận động nhân dân không bán hết đất ở, không tự ý mở đường để phân lô bán nền hoặc xây dựng không đúng quy định trên đất nông nghiệp./.