Gần 98% đại biểu quốc hội đã bỏ phiếu tán thành Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Chương trình) theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014
Theo đó, thay vì thực hiện chương trình mới từ năm học 2018-2019 như Nghị quyết số 88, Quốc hội quyết định thời hạn bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được chậm nhất là từ năm học 2020-2021 với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 với cấp trung học phổ thông.
Như vậy, việc triển khai chương trình giáo dục mới sẽ có thể lùi tối đa 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
Quốc hội cũng đồng ý với việc điều chỉnh về lộ trình triển khai. Theo Nghị quyết 88, việc đổi mới sẽ bắt đầu cùng lúc ở cả ba lớp đầu tiên 1, 6, và 10 của các bậc học. Tuy nhiên, Nghị quyết mới cho phép ngành giáo dục thực hiện cuốn chiếu ba năm theo từng cấp học, mỗi năm bắt đầu thực hiện đổi mới ở một cấp.
Cụ thể, năm đầu tiên áp dụng với lớp đầu cấp tiểu học, năm thứ hai với lớp đầu cấp trung học cơ sở và năm thứ ba với lớp đầu cấp trung học phổ thông. Theo đó, quá trình hoàn thành đổi mới sẽ là 5 năm, kể từ năm đầu triển khai.
[Lùi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới: Bài học từ VNEN]
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng Chương trình, bảo đảm không tăng kinh phí; đồng thời, bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng Chương trình. Khi chuẩn bị đủ các điều kiện, Chính phủ báo cáo Quốc hội thời điểm áp dụng Chương trình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc triển khai áp dụng Chương trình trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với việc triển khai áp dụng Chương trình.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành và các sở giáo dục và đào tạo đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Theo đại diện cá địa phương, do chưa chuẩn bị kịp về đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất nên nếu thực hiện ngay năm học 2018-2019 như Nghị quyết 88 thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu.
Tiếp nhận các ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc xin lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới và được Chính phủ đồng ý, trình Quốc hội xem xét quyết định./.