Thời tiết cực đoan đe dọa trữ lượng dầu khí của thế giới

Theo nghiên cứu của Verisk Maplecroft, thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác 40% trữ lượng dầu trên thế giới, tương đương 600 tỷ thùng dầu.
Thời tiết cực đoan đe dọa trữ lượng dầu khí của thế giới ảnh 1Cơ sở sản xuất dầu của Công ty Aramco ở gần al-Khurj, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có triều cường, bão, lũ lụt và nhiệt độ khắc nghiệt đang đe dọa phần lớn trữ lượng dầu và khí đốt trên thế giới.

Đây là kết quả nghiên cứu của công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft (Anh), công bố ngày 16/12.

Theo nghiên cứu của Verisk Maplecroft, thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác 40% trữ lượng dầu trên thế giới, tương đương 600 tỷ thùng dầu.

Nghiên cứu chỉ ra các nhà sản xuất dầu lớn gồm Saudi Arabia, Iraq và Nigeria là những nước dễ bị tổn thương nhất của tình trạng biến đổi khí hậu ở khía cạnh này.

[Trữ lượng dầu thô của OPEC tăng trong năm 2020 dù số giàn khoan giảm]

Trong năm nay, biến đổi khí hậu đã cản trở lớn hoạt động của ngành dầu khí khi thời tiết cực lạnh ảnh hưởng đến các cơ sở khai thác dầu mỏ, khí đốt và lọc dầu trên vùng Vịnh duyên hải Mexico của Mỹ, gây ra tình trạng gián đoạn kéo dài và giảm sản lượng.

Nhà phân tích môi trường của Verisk Maplecroft, ông Rory Clisby, dự báo các hiện tượng thời tiết trên sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn, diễn ra thường xuyên hơn và có thể ảnh hưởng lớn hơn nữa đến ngành dầu khí.

Theo ông, hơn 33% trữ lượng dầu khí thế giới phục vụ mục đích thương mại được đánh giá có thể chịu rủi ro cao, trong khi khoảng 10% trữ lượng dầu khí được cho là có khả năng chịu rủi ro rất cao.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo tình trạng nắng nóng cực đoan, thiếu nước và bão cát có thể trở thành "gót chân Achilles" của Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, Nigeria - nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai của châu Phi, cũng sẽ phải đối mặt với các nguy cơ do hạn hán và lũ lụt gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục