Thống đốc: Vietcombank cần xác định vị trí ở châu Á trong 10 năm tới

Vietcombank là ngân hàng tiên phong thu hồi các khoản nợ từ VAMC vượt 3 năm so với quy định và chính thức đưa nợ xấu về một sổ.
Thống đốc: Vietcombank cần xác định vị trí ở châu Á trong 10 năm tới ảnh 1Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chỉ đạo tại hội nghị. (Nguồn: Vietcombank)

Phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ngày 7/1, tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, Vietcombank cần xác định được vị trí của mình nằm ở đâu trong khu vực, thị trường châu Á trong 5 - 10 năm tới, chứ không chỉ ở vị trí trong 300 doanh nghiệp trên toàn cầu.

"Đây là chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và là mục tiêu rất quan trọng để Vietcombank xác định trong thời gian tới," Thống đốc nhấn mạnh.

Ngân hàng đầu tiên sạch nợ xấu tại VAMC

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, mức lợi nhuận của ngân hàng năm 2016 "cao nhất từ trước tới nay" khi đạt 8.212 tỷ đồng, tăng trưởng 23,4% so với cùng kỳ. Trước trích lập dự phòng, lợi nhuận của Vietcombank là 14.605 tỷ đồng. Hiện quỹ dự phòng rủi ro của nhà băng này còn hơn 8.200 tỷ đồng (gấp 1,2 số dư nợ xấu hiện nay).

Người đứng đầu Vietcombank cũng cho biết, năm 2016, Vietcombank là ngân hàng tiên phong thu hồi các khoản nợ từ VAMC vượt 3 năm so với quy định và chính thức đưa nợ xấu về một sổ và chính thức kiểm soát, quản trị chất lượng tín dụng một cách thực chất. Dư nợ xấu nội bảng hiện còn 6.787 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm là 1,44%.

Tính đến 31/12/2016, huy động vốn của ngân hàng này đạt 598.867 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2015, đạt 104,0% kế hoạch năm. Trong đó, huy động vốn khách hàng doanh nghiệp tăng 15,5%, doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 51,3% và thể nhân tăng 18,6%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng khả quan, đạt 469.800 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cuối năm 2015, đạt 101,6% kế hoạch năm.

Hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 10,29%, đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Doanh số mua bán ngoại tệ (không bao gồm giao dịch liên ngân hàng) đạt 34,63 tỷ USD, tăng 14,6% so cùng kỳ, đạt 102,2% kế hoạch 2016. Dịch vụ chuyển tiền kiều hối đạt 1,64 tỷ USD, tăng 8,5% so cùng kỳ, đạt 96,9% kế hoạch 2016.

Cổ phiếu VCB tiếp tục có mức giá cao nhất ngành, liên tục nằm trong top 3 doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất thị trường.

Ông Thành cho biết, để có được kết quả trên, trong năm qua, ban lãnh đạo Vietcombank xác định với toàn thể các cấp lãnh đạo quản lý đến từng cán bộ ngân hàng nhận thức rằng sự tồn tại của khách hàng, của cộng đồng doanh nghiệp sẽ quyết định phát triển cho Vietcombank.

Năm 2017, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng 12% lợi nhuận trước thuế lên 9.200 tỷ đồng, nợ xấu khống chế dưới 1,5%; huy động vốn tăng 15% trong khi tín dụng tăng 18%, tổng tài sản tăng 11%.

Thống đốc: Vietcombank cần xác định vị trí ở châu Á trong 10 năm tới ảnh 2Giao dịch tại Vietcombank. (Nguồn: Vietcombank)

Phải là ngân hàng dẫn dắt thị trường

Tại Hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng đánh giá cao trong năm qua Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tham gia vào giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp và cũng là ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại VAMC...

Liên quan đến vấn đề lãi suất, Thống đốc chỉ ra rằng, lãi suất dù áp lực rất lớn nên đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải điều hành đồng bộ linh hoạt thị trường tiền tệ làm sao giữ ổn định mặt bằng và phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn nhưng trước tiên là phải ổn định được mặt bằng lãi suất. Đây là quan điểm chỉ đạo của toàn hệ thống mà Vietcombank cần lưu ý.

Ngoài việc tự tái cơ cấu, Thống đốc cũng nhắc đến trách nhiệm của Vietcombank rất lớn đối với Chính phủ là phải tham gia cùng với ngành ngân hàng tái cơ cấu. Tất nhiên, khi VCB tham gia vào tái cơ cấu thì sẽ có cơ chế, chính sách minh bạch rõ ràng, tạo điều kiện khi Vietcombank tham gia tái cơ cấu hệ thống chứ không phải yêu cầu tham gia tái cơ cấu để gây bất lợi cho ngân hàng.

“Đây vừa là nhiệm vụ chính trị, nhưng cũng là cơ hội của Vietcombank. Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ để tạo điều kiện cho các ngân hàng tham gia. Nếu thực hiện tái cơ cấu thành công thì Vietcombank cũng có điều kiện để Vietcombank tăng quy mô,” Thống đốc yêu cầu.

Thống đốc cũng yêu cầu Vietcombank tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu. Thống đốc cũng thừa nhận, mặc dù trong năm qua thành tích xử lý nợ xấu của Vietcombank đạt rất tốt, đã mua lại toàn bộ nợ xấu của VAMC nhưng Thống đốc cũng chỉ ra ngân hàng chủ yếu tập trung xử lý thông qua biện pháp trích lập dự phòng rủi ro. Trong năm 2017 cần đẩy mạnh thông qua xử lý tài sản đảm bảo.

Bên cạnh đó, Vietcombank cần triển khai có hiệu quả các quy trình thủ tục hành chính để giảm áp lực, thời gian tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng nhận định năm 2017 là năm khó khăn trong điều hành tỷ giá. Ngoại hối, cán cân thanh toán năm 2017 được dự báo không cao so với 2016 vì chịu nhiều tác động bất lợi từ chính sách tiền tệ của các nước, áp lực từ việc tăng lãi suất của Fed...

“Do vậy, năm nay Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành rất linh hoạt thị trường ngoại hối, tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia là người dẫn dắt thị trường. Vietcombank với vai trò là ngân hàng lớn trên thị trường ngoại tệ, tiếp tục tham gia hỗ trợ cho chính sách trong điều hành," Thống đốc nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành hứa sẽ tiếp tục là ngân hàng giữ ổn định mặt bằng lãi suất và nếu có điều kiện sẽ giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, Vietcombank sẽ tiếp tục tham gia vào quá trình tái cơ các ngân hàng khác khi có chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước cũng như ngân hàng đã từng đã tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng bằng cách tham gia quản trị, hỗ trợ một phần thu nhập cho cán bộ nhân viên Ngân hàng Xây dựng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục