Thu ngân sách cuối năm có thể vượt tới 8% so với dự toán?

Thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ là không nhiều áp lực. Với tiến độ hiện tại, tổng thu ngân sách tới cuối năm có thể vượt 5-8% so với dự toán.
Thu ngân sách cuối năm có thể vượt tới 8% so với dự toán? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ là không bị nhiều áp lực. Với tiến độ hiện tại, tổng thu ngân sách tới cuối năm có thể vượt 5-8% so với dự toán.

54 địa phương thu cao hơn cùng kỳ

Thống kê trong buổi sơ kết 6 tháng ngành tài chính ngày 5/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, tổng số thu trong nửa đầu năm nay ước đạt 563.500 tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán. Số thu này tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016.

Trong số trên, Thứ trưởng cho biết, thu từ dầu thô đạt hơn 60% dự toán, tăng 15,6% so cùng kỳ năm 2016. Điều này nhờ giá dầu bình quân lên tới 54,6 USD/thùng, cao hơn dự toán 4,6 USD/thùng.

Thu cân đối từ xuất nhập khẩu theo tính toán cũng tăng hơn 22% so cùng kỳ năm 2016. Lãnh đạo ngành tài chính đánh giá, tiến độ này chủ yếu nhờ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục đà tăng trưởng.

Phân tích kỹ hơn, Thứ trưởng Huỳnh Quanh Hải tính toán, thu ngân sách địa phương đang có tiến độ khá khi đã đạt 54% dự toán trong đó 54 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Ở hướng khác, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết thêm, số thu nội địa 6 tháng chưa đạt 50% dự toán.

Điều này theo ông bởi một số tập đoàn lớn của Nhà nước nhiều năm trước có tiến độ tăng trưởng tốt thì năm nay giảm tốc thậm chí không tăng trưởng. Một số ví dụ được lãnh đạo ngành thuế nêu lên như Viettel, MobiFone hay một số công ty ngành sản xuất bia rượu, nước giải khát, thuốc lá,…

[Vốn đầu tư công: Nghẽn từ đầu vào, nền kinh tế mất cả triệu tỷ đồng]

Tuy vậy, đánh giá chung về tiến độ thu ngân sách, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, 6 tháng đầu năm là thời gian “ngành tài chính vui, không nhiều áp lực.”

Tiến độ thu ngân sách trong thời gian qua theo Phó Thủ tướng là khá và thông thường, những tháng cuối năm, tiến độ thu sẽ còn tốt hơn. Bởi vậy, triển vọng cân đối thu chi năm nay theo Phó Thủ tướng là hiện thực.

Phó Thủ tướng Chính phủ thậm chí còn đặt mục tiêu cao hơn cho ngành tài chính với tổng thu vượt dự toán khoảng 5-8%.

Sẽ tăng cường khoán

Về chi ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, tổng chi trong nửa đầu năm nay đã đật gần 583.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Công tác chi thời gian qua theo ông là chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ và trong phạm vi dự toán.

Tuy nhiên, có ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, vẫn có tình trạng chi thường xuyên liên tục tăng cao.

Không chỉ ra cụ thể nhưng theo ông “nhiều chính sách vừa qua không phù hợp với xu thế phát triển của đất nước làm cho ngân sách ngày tăng bội chi.”

Kỷ cương ngân sách là vấn đề được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong phần phát biểu của mình. Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm, tiết kiệm chi ngân sách phải là quốc sách. Ông đề nghị phải siết sử dụng ôtô công, tài sản công. Điều này để tránh tình trạng, tới cuối năm thống kê, thu thì vẫn vậy nhưng chi thì vượt dự toán.

Với địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng, nơi nào thu không đạt dự toán mà không có nguồn bù đắp thì cũng phải giảm chi tương ứng.

Phó Thủ tướng nhắc lại, đây là vấn đề sống còn và không thể vì năm nay dư địa tốt hơn năm trước mà chủ quan.

Nói thêm về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, cơ quan này sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách chi trong đó có việc siết chi tiêu ngân sách để đảm bảo tiết kiệm.

Giải pháp được Bộ trưởng nhắc tới là tăng cường triển khai cơ chế khoán trong đó có khoán xe công. Tư lệnh ngành tài chính cũng cho biết, cơ quan này sẽ tham gia tích cực vào để án tái cơ cấu đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ công, sắp xếp bộ máy Nhà nước, tinh giản biên chế.

Đây là dự án theo Bộ trưởng đánh giá là quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu chi ngân sách, đảm bảo giảm tỷ trọng chi thường xuyên, dành nguồn cho đầu tư phát triển./.

Theo dự toán ngân sách năm nay, tổng thu ngân sách đạt mức hơn 1,2 triệu tỷ đồng trong đó thu nội địa là trên 990.000 tỷ đồng. Chi ngân sách Nhà nước theo kế hoạch phải đạt hơn 1,39 triệu tỷ đồng trong đó riêng chi thường xuyên đã là trên 896.000 tỷ đồng. <
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói về giải pháp cân đối thu chi ngân sách.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục