Thu ngân sách TP.HCM: Tìm thêm nguồn lực để hồi phục kinh tế

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước...
Thu ngân sách TP.HCM: Tìm thêm nguồn lực để hồi phục kinh tế ảnh 1(Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN)

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp cùng với việc triển khai các chính sách giảm, giãn thuế, phí đã làm ảnh hưởng đến số thu cân đối ngân sách địa phương trong năm qua.

Trong khi đó, có nhiều khoản chi phí phát sinh như chi cho phòng chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khôi phục sản xuất… đang tạo áp lực không nhỏ đến việc điều hành chi ngân sách, tìm kiếm nguồn lực để hồi phục kinh tế thành phố trong năm 2022.

Cắt giảm 50% kinh phí không cần thiết

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19, nhiệm vụ chi ngân sách của thành phố được xây dựng trên tinh thần triệt để tiết kiệm, tập trung tối đa nguồn lực để đáp ứng việc phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; bố trí hợp lý dự phòng ngân sách nhằm đảm bảo xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Đáng chú ý, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của năm 2021 và các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, không thể triển khai do tình hình dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 58/NQ-CP và Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ.

[TP.HCM vượt khó cán đích thu ngân sách: Tiền đề cho chỉ tiêu cao hơn]

Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, với các giải pháp trên, tổng số tiền ngân sách thành phố tiết kiệm được trong năm 2021 là 1.357 tỷ đồng. Đây được xem là nguồn lực không nhỏ trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.

Mặt khác, trong năm 2021, dịch bệnh bùng phát trên địa bàn khiến số thu giảm, trong khi nhiều khoản chi cấp thiết cho phòng chống dịch và thực hiện các chính sách hỗ trợ đều tăng, ngành tài chính đối mặt trước nguy cơ mất khả năng cân đối.

“Với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, ngành tài chính đã rà soát tìm kiếm các nguồn lực tích lũy từ nhiều năm trước để đảm bảo cho nhiệm vụ chi phát sinh ngoài dự toán, đặc biệt cân đối bố trí cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 17.809 tỷ đồng,” bà Phạm Thị Hồng Hà cho biết.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022, nhiệm vụ chi ngân sách của thành phố được xây dựng trên tinh thần triệt để tiết kiệm theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, đặc biệt tập trung tối đa nguồn lực để đáp ứng phòng chống kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Đồng thời, đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, bố trí hợp lý dự phòng ngân sách để đảm bảo xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Với định hướng trên, ngành tài chính thành phố cho biết sẽ tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công; triển khai đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi tiêu ngân sách ở tất cả các cấp, ngành.

Đặc biệt, tập trung rà soát, phân loại sắp xếp các dự án đầu tư để trình Ủy ban Nhân dân thành phố bố trí kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án cấp bách và các công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2022; tăng cường theo dõi, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

Kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 23%

Trong năm 2022, Trung ương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố Hồ Chí Minh là 21%, thay vì 18% như 5 năm qua. Đây được xem là sự động viên kịp thời, giúp thành phố có thêm nguồn lực phục hồi kinh tế-xã hội, tiếp tục trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước sau thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh.

Thu ngân sách TP.HCM: Tìm thêm nguồn lực để hồi phục kinh tế ảnh 2Xây dựng cầu Bình Khánh trên tuyến cao tốc Bắc-Nam qua Tp Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngoài tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại và đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến vẫn phải vay thêm 11.000 tỷ đồng để có thêm nguồn lực hồi phục.

Theo kế hoạch, dự toán thu ngân sách địa phương trong năm 2022 của Thành phố Hồ Chí Minh là 89.739 tỷ đồng, tăng 9,29% so với dự toán năm 2021. Trong đó, ngân sách được hưởng theo phân cấp là 84.121 tỷ đồng; thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương để thực hiện một số công trình, dự án đầu tư và chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu khác là 2.090 tỷ đồng; từ nguồn cải cách tiền lương chuyển sang là 2.709 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng dự toán chi ngân sách địa phương năm 2022 là 99.669 tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển là 43.546 tỷ đồng, chi thường xuyên là 48.663 tỷ đồng, dự phòng ngân sách là 3.400 tỷ đồng…

Với dự toán trên, thành phố sẽ bội chi ngân sách địa phương gần 9.930 tỷ đồng. Để bù đắp số tiền này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ vay trên 10.919 tỷ đồng; trong đó, vay để bù đắp bội chi ngân sách là 9.930 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc 989 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn Chính phủ cho vay lại (7.767 tỷ đồng) và vay trong nước (3.152 tỷ đồng).

Đối với khoản vay trong nước, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2022 để có nguồn thu thực hiện các kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia của ngân sách thành phố là 23% (thay vì tỷ lệ 21% vừa được điều chỉnh trong năm 2021) để ổn định cho cả giai đoạn 2023- 2025 nhằm tạo điều kiện phát triển theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đầu tháng 12/2021, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố cũng lưu ý, năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nền kinh tế trong nước còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro đặt ra những thách thức. Do đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần phân tích, dự báo tình hình, đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện thu, chi ngân sách năm 2021.

Từ đó, chủ động đề ra biện pháp đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách được giao; tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế-xã hội thành phố.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cơ cấu, sáp nhập, dừng, giải thể các Quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động không hiệu quả, không đúng mục đích, chưa theo đúng quy định; tiếp tục thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập…/

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục