Thứ trưởng Bộ Y tế: Phẫu thuật nội soi Việt Nam ngang tầm thế giới

Phẫu thuật nội soi đã được thực hiện tại nhiều bệnh viện trên cả nước và ghép tạng đã mở ra cơ hội cho rất nhiều bệnh nhân không may bị suy tạng.
Thứ trưởng Bộ Y tế: Phẫu thuật nội soi Việt Nam ngang tầm thế giới ảnh 1Các bác sỹ tiến hành một ca phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cho đến nay, phẫu thuật nội soi đã được áp dụng ở hẫu hết các chuyên ngành như: Tiêu hóa, tiết niệu, lồng ngực, chấn thương, sọ não, nội tiết... đặc biệt các kỹ thuật phức tạp đã được thực hiện: như cắt gan, cắt khối tá tuỵ, cắt thực quản, thay van tim. Có thể nói, phẫu thuật nội soi Việt Nam được đánh giá ngang tầm các bệnh viện, trung tâm y học khu vực và thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội ngoại khoa Việt Nam và dự Hội nghị Hội ngoại khoa và phẫu thuật nội soi toàn quốc năm 2022 diễn ra ngày 18/11 tại Hà Nội.

[Phẫu thuật ít xâm lấn thành công cho cụ 100 tuổi bị gãy xương đùi trái]

Giáo sư Trần Văn Thuấn phân tích cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội và giao lưu hợp tác quốc tế, ngành ngoại khoa đã có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật của thế giới áp dụng cho y học. Nhiều phương pháp phẫu thuật khó, trước đây phải mổ mở thì đến nay phẫu thuật nọi soi đã được thay thế như các ca phẫu thuật sửa hay thay van tim đã được thực hiện bằng phương pháp nội soi.

Bên cạnh đó phẫu thuật nội soi đã được thực hiện tại nhiều bệnh viện trên cả nước và ghép tạng đã mở ra cơ hội cho rất nhiều bệnh nhân không may bị suy tạng.

Ở mỗi vùng miền, mỗi cơ sở y tế các thầy thuốc ngoại khoa luôn nỗ lực phát triển chuyên môn nghiệp vụ để có được niềm tin của người bệnh, làm thế nào để người bệnh tin tưởng điều trị, hạn chế phải chuyển tuyến và hạn chế người bệnh phải đi nước ngoài chữa bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, thực tế trong những năm vừa qua ngành y tế nói chung và ngành ngoại khoa nói riêng đã làm rất tốt việc này, giúp cho người bệnh ở các tuyến có cơ hội tiếp cận những kỹ thuật cao mà trước đây chỉ ở nước ngoài hoặc chỉ ở tuyến trung ương mới có.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Phẫu thuật nội soi Việt Nam ngang tầm thế giới ảnh 2Giáo sư Trần Bình Giang - Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam trình bày báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư Trần Bình Giang - Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam cho hay trải qua 60 năm phát triển, Hội Ngoại khoa đã có đội ngũ chuyên môn đông đảo được đào tạo rất cơ bản, trong đó có nhiều bác sỹ tu nghiệp ở nhiều nước trên thế giới và có tay nghề giỏi, với nhiều kỹ thuật mới, nhiều ca bệnh khó được điều trị thành công. Điển hình là phương pháp cắt gan khô nổi tiếng của Giáo sư Tôn Thất Tùng, đã từng gây tiếng vang lớn đối với nền y khoa thế giới.

Cùng với sự phát triển của ngành ngoại khoa thế giới, phẫu thuật nội soi được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau tại Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 11/1992. So với mổ mở, nội soi kinh điển đã đem lại cho bệnh nhân giá trị rất lớn, vì ít tổn hại đến sức khỏe.

Hội nghị lần này có hơn 300 bài báo cáo khoa học chất lượng thuộc hơn 20 chuyên ngành sâu của các nhà nghiên cứu, các bác sỹ và điều dưỡng, kỹ thuật viên trong đó có 65 bài báo cáo quốc tế đến từ các nước và vùng lãnh thổ như Australia, Bỉ, Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan.

Đặc biệt, tại phiên báo cáo tổng quan có 3 chủ đề: Phẫu thuật giảm béo - Cập nhật Khuyến cáo Dinh dưỡng của Giáo sư Trần Bình Giang - Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam; MIS Education in Korea: KSERS Experience của Giáo sư In-Seok Choi - Chủ tịch Hội Nội soi và Phẫu thuật Nội soi, phẫu thuật robot Hàn Quốc; Phục hồi chức năng trong Ngoại khoa của Phó giáo sư Nguyễn Kim Liên - Trưởng khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).

Hội nghị luôn là dịp gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm giữa các cán bộ chuyên ngành ngoại khoa và phẫu thuật nội soi của cả nước, xem xét đánh giá lại công tác phòng chống bệnh và chăm sóc người bệnh ở Việt Nam, đề ra định hướng chiến lược cho công tác trong thời gian tới./.

Hội ngoại khoa Việt Nam được thành lập ngày 10/2/1962 và giáo sư Tôn Thất Tùng là Chủ tịch đầu tiên của Hội.

Hội có nhiệm vụ tập hợp những người làm công tác ngoại khoa chung và các chuyên khoa ngoại khác lại cùng hoạt động, với tôn chỉ cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau nâng cao trình độ chuyên môn, cùng nhau giữ gìn, phát huy truyền thống y đức, y đạo Việt Nam góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân và xây dựng một nền y học Việt Nam tiến bộ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục