Thừa Thiên-Huế cấm ôtô không có nhiệm vụ đi lại trong bão

Trong thời gian bão đổ bộ, công an tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ không cho các phương tiện vận tải đi lại.

Công tác đối phó với bão Haiyan đang khẩn trương hơn bao giờ hết ở các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Người dân được thông báo bão Haiyan là cơn bão rất mạnh, diễn biến khó lường nên hết sức cảnh giác và chủ động trong các phương án tránh trú.

Các địa phương trong tỉnh đã chấp hành nghiêm túc lệnh di dời sơ tán dân đến nơi an toàn trước 19 giờ ngày 9/11; cho học sinh các huyện ven biển nghỉ học từ chiều ngày 9/11 để chủ động cho việc di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn.

Đại tá Lê Quốc Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết Công an toàn tỉnh đã được triển khai trực ứng phó 100% quân số và sẵn sàng huy động lực lượng về giúp dân vùng xung yếu, thấp trũng, hộ dân vạn đò các hộ gia đình neo đơn, già yếu nhà cửa tạm bợ cần di dời.

Ngoài cán bộ chiến sỹ được phân công bám nắm địa bàn giúp dân, công an tỉnh cũng đã huy động thêm 350 quân thuộc các lực lượng cơ động, đặc nhiệm; với phương tiện sẵn sàng cơ động cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

Đối với tuyến giao thông đường thủy, ngay trong ngày 9/11, cảnh sát đường thủy đã dùng loa tuyên truyền cho các hộ dân sống trên sông Hương và hơn 110 phương tiện du lịch (thuyền rồng) tìm nơi neo đậu an toàn. Không cho hoạt động vận chuyển hành khách tại các tuyến đò trên phá Tam Giang, đầm Cầu Hai; các tuyến đò ngang ở Hương Thọ (thị xã Hương Trà), Phú Mậu (Phú Vang)…

Trên tuyến đường sắt, công an đã phối hợp với ngành đường sắt bố trí đủ lực lượng cơ động, sẵn sàng ứng cứu trên toàn tuyến đường sắt qua Thừa Thiên-Huế.

Về công tác hậu cần, toàn lực lượng đảm bảo trang thiết bị cho công tác phòng chống bão, đặc biệt chuẩn bị lương thực đầy đủ cho 10 ngày, nhất là các đơn vị độc lập.

Trên các tuyến đường bộ, lực lượng cảnh sát giao thông ứng trực phân luồng ở những đoạn đường thường xuyên bị ngập sâu trên tuyến Quốc lộ 1A, nhất là ở những đoạn đường nguy hiểm thường hay sạt lở (đèo Phú Gia, đèo Phước Tượng), các công trình cầu, cống, nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Trong thời gian bão đổ bộ vào bờ, lực lượng cảnh sát giao thông tuyệt đối không cho phương tiện vận tải lưu thông trong bão, nhất là vận tải hành khách. Công an tỉnh chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng sẵn sàng bố trí nơi nghỉ ngơi cho lái xe và hành khách tránh bão…

Ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền khẳng định đến 19 giờ tối nay (9/11), huyện tổ chức di dời hơn 2.343 hộ dân, phần lớn người già, trẻ em được di dời đến nơi tránh trú an toàn.

Hiện, Phong Điền đã chuẩn bị dự trữ 65 tấn gạo, 1.759 thùng mỳ tôm, 1.000 gói lương khô, 930 lít dầu hỏa, 1510 lít dầu dizen, 500 lít xăng và nhiều nhu yếu phẩm khác, chủ động để không một người dân nào đói, rét trong mưa bão. Huyện Quảng Điền cũng nghiêm cấm các loại tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản, đi lại từ sau 14 giờ hôm nay.

Tại huyện Phú Vang, hầu hết các nhà hàng tại bãi biển Thuận An đã được tháo gỡ hết thay vì chằng chống như trước để hạn chế thiệt hại do bão số 14 gây nên. Trong ngày hôm nay, Đồn Biên phòng cảng biển Chân Mây cũng đã cứu hộ thành công 1 tàu nước ngoài, đưa 12 thuyền viên vào bờ an toàn.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục