Tích hợp giấy phép môi trường: Giảm thủ tục, kiểm soát rủi ro

Với việc tích hợp giấy phép môi trường hiện nay, việc cấp phép, quản lý đã được thống nhất trách nhiệm, bảo đảm kiểm soát được rủi ro môi trường của các dự án đầu tư.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Sau hơn 11 tháng triển khai Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, bộ luật có ý nghĩa sống còn với môi trường đã dần đi vào thực tiễn và bước đầu tạo ra được những chuyển động "xanh" từ chính sách tới thực tiễn. Trong đó, việc tích hợp 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường thành 1 loại giấy phép (giấy phép môi trường), được xem là “liều thuốc” để ngăn ngừa, kiểm soát các hoạt động xả thải trái phép.

Thống nhất đầu mối cấp phép, quản lý

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết ngay sau khi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực (1/1/2022), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chính sách pháp luật tới từng địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp trên cả nước, để đưa chính sách đi sâu vào cuộc sống.

Đến nay, theo thống kê của Tổng cục Môi trường, có tới 80-90% các địa phương đã triển khai, phổ biến, tuyên truyền chính sách của luật này tới các cấp quận/huyện, thị trấn, xã/phường, trong đó có cả các xã vùng sâu, vùng sa, biên giới và hải đảo.

Cùng với những "chính sách khung" của Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhiều cơ chế “chính sách lớp” thực hiện theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng đã định hình, góp phần thay đổi diện mạo môi trường tại nhiều địa phương.

Nổi bật là cơ chế cấp phép môi trường, trong đó tích hợp 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường trước đây (giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; giấy phép xả thải vào nguồn nước; giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi; giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; giấy phép xả khí thải công nghiệp; sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại; giấy phép xử lý chất thải nguy hại) thành 1 loại giấy phép.

Theo ông Thịnh, trước đây, việc thực hiện song song thủ tục cấp giấy phép, giấy xác nhận về môi trường (do cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thực hiện) trong khi việc cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (lại do cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi thực hiện). Thực tế này đã gây ra nhiều bất cập, hạn chế, không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp về tài nguyên nước.

“Ví dụ, trước đây việc xả thải vào các công trình thủy lợi như Bắc Hưng Hải là do ngành nông nghiệp cấp, chứ không phải ngành tài môi trường, từ đó dẫn đến việc phân mảnh trong quản lý, việc thanh tra cũng gặp khó khăn,” ông Thịnh nói.

[Bộ TN-MT ‘tăng tốc’ xử lý các điểm nóng ô nhiễm nguồn nước]

Tuy nhiên, với việc tích hợp giấy phép môi trường hiện nay, việc cấp phép, quản lý đã được thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; giảm thủ tục hành chính, góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát được rủi ro tác động môi trường của các dự án đầu tư.

Song song với chế định trên, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 cũng đã bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền tham gia, phản biện và đồng thuận của cơ quan quản lý công trình thủy lợi ngay từ giai đoạn Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho đến khi cấp giấy phép môi trường đối với cơ sở xả nước thải vào công trình thủy lợi nhằm tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan.

“Chuyển động” tích cực từ cơ sở, doanh nghiệp

Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết cho biết hiện nay, nhiều địa phương đã triển khai tích hợp toàn bộ 7 loại giấy phép, giấy xác nhận về môi trường trước đây vào chung 1 loại giấy phép môi trường và bãi bỏ các giấy phép có liên quan trước đây.

Tích hợp giấy phép môi trường: Giảm thủ tục, kiểm soát rủi ro ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Trong đó, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên "tiên phong" thực hiện việc cấp giấy phép môi trường ngay sau khi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực.

Ông Nguyễn Như Hạnh, Chị Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tuyên truyền đến các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các địa phương, các chủ dự án đầu tư, để nghiên cứu triển khai thực hiện.

Triển khai thi hành luật và các văn bản hướng dẫn cũng như các nội dung tuyên truyền của cơ quan nhà nước, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai áp dụng, thực thi các quy định mới của pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát các hồ sơ thủ tục pháp lý về môi trường đối với hoạt động của đơn vị để đảm bảo thực hiện đầy đủ các hồ sơ thủ tục pháp lý.

Theo đó, “từ khi triển khai việc tích hợp giấy phép môi trường nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận và thẩm định 81 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường. Đến nay, Quảng Ninh đã cấp 32 giấy phép môi trường đối với 32 dự án/cơ sở. Việc này được thực hiện công khai trên cổng thông tin điện tử của sở https://www.quangninh.gov.vn/So/sotainguyenmt,” ông Hạnh chia sẻ.

Theo đánh giá của ông Hạnh, giấy phép môi trường là một công cụ quản lý có tính thống nhất và pháp lý cao để giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động bảo vệ môi trường đối với các dự án trong giai đoạn thực hiện (xây dựng, vận hành thử nghiệm, vận hành thương mại) và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động.

Đặc biệt, giấy phép môi trường sẽ bảo đảm 3 vai trò chính là công cụ bảo đảm điều kiện cần và đủ, cho phép các cơ sở trước khi đi vào vận hành hoạt động phải thực hiện đúng các yêu cầu, điều kiện để phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ ô nhiễm; ngưỡng giới hạn đối với các chất thải phát sinh; yêu cầu về quan trắc, giám sát môi trường.

“Giấy phép môi trường cũng là công cụ cho phép cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát, điều chỉnh tải lượng chất thải phát sinh từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm kiểm soát chất ô nhiễm, duy trì, bảo vệ mục tiêu chất lượng môi trường. Và đây cũng là căn cứ để cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường giám sát, kiểm tra, thanh tra tổ chức, cá nhân trong quá trình vận hành hoạt động của dự án,” ông Hạnh nói.

Với doanh nghiệp, ông Hạnh khẳng định giấy phép môi trường là một điều kiện bắt buộc phải có để các doanh nghiệp được phép hoạt động và xả thải vào môi trường. Điều này khẳng định giấy phép môi trường là một yếu tố không thể thiếu để làm nên hiệu quả kinh tế cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục