Tổng thống Ukraine đề xuất giảm phí chuyển tải khí đốt cho Gazprom

Cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu "leo thang" mùa thu năm nay sau khi giá khí đốt tăng vọt, gần chạm ngưỡng 2.000 USD/1000 m3 trong bối cảnh tỷ lệ lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt ở mức thấp.
Tổng thống Ukraine đề xuất giảm phí chuyển tải khí đốt cho Gazprom ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom (Nga). (Ảnh: EPA/TTXVN)

Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky ngày 22/10 tuyên bố nước này đề xuất giảm 50% phí chuyển tải khí đốt cho tập đoàn độc quyền khí đốt Nga Gazprom cho khối lượng khí đốt vận chuyển đến châu Âu vượt mức 40 tỷ m3/ngày theo quy định trong hợp đồng.

Bloomberg dẫn lời Tổng thống Ukraine: “Ukraine đưa ra đề nghị này đối với tất cả các quốc gia - các nhà vận chuyển tiềm năng... Với biểu phí như hiện nay, tôi đề nghị giảm giá 50%.”

Ông Zelensky nhấn mạnh: “Ukraine đảm bảo các điều kiện chống khủng hoảng, đặc biệt để vận chuyển trong trường hợp cung vượt khối lượng quy định trong hợp đồng. Tôi muốn nhấn mạnh, tôi chắc chắn rằng nếu chúng ta không làm điều này ngay bây giờ, thiệt hại của châu Âu sẽ rất lớn trong mùa đông này. Chỉ có một phản ứng phối hợp nhanh chóng mới giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng.”

Cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu "leo thang" mùa thu năm nay sau khi giá khí đốt giao ngay bắt đầu tăng vọt, vượt mức 1.000 USD/1.000 m3 và gần chạm ngưỡng 2.000 USD/1000 m3 trong bối cảnh tỷ lệ lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt ở mức thấp.

Theo số liệu tính đến giữa tháng 10, các kho lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của châu Âu mới chỉ lấp đầy 71% lượng khí đốt đã lấy ra sử dụng trong mùa trước.

Theo các nhà quan sát, cuộc khủng hoảng này do nhiều yếu tố gây ra. Một trong số đó là sự tăng trưởng bùng nổ về nhu cầu khí đốt ở châu Á, khiến báo giá trên thị trường châu Á tăng, cũng như nhu cầu tăng mạnh ở châu Âu.

["Nga sẵn sàng hỗ trợ châu Âu vượt qua khủng hoảng năng lượng"]

Tình hình trở nên trầm trọng hơn do sản lượng tại các trang trại điện gió ở châu Âu giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến thị trường biến động mạnh là do tỷ lệ lấp đầy các kho chứa khí đốt ở mức thấp.

Trong một diễn biến có liên quan, Tập đoàn Gazprom ngày 22/10 cho biết đang tiếp tục bơm khí vào các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất để bổ sung lượng khí đã lấy ra trong mùa 2020-2021 và nâng trữ lượng khí đốt lên mức kỷ lục là 72,638 tỷ m3.

Nếu tính cả trữ lượng ở Belarus và Armenia thì tổng trữ lượng đạt 73,824 tỷ m3.

Thông báo nêu rõ: “Năng suất tối đa hàng ngày của các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất đang được nâng lên mức chưa từng có - 847,9 triệu m3. Và nếu tính cả cơ sở lưu trữ ở Belarus và Armenia thì còn số này lên đến 887,9 triệu m3.”

Gazprom đã hoàn thành việc sửa chữa 89 tổ máy xử lý khí sơ bộ và tổng hợp tại các cơ sở sản xuất. Vào cuối năm nay, công ty có kế hoạch vận hành các công suất tăng cường mới tại các mỏ Bovanenkovskoye và Yamburgskoe./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục