Toyota-Testa: Cuộc chiến giành ngôi vương về chế tạo xe điện

Công nghệ đúc nhôm kích thước lớn (gigacasting) của Tesla có thể trở thành tiêu chuẩn mới cho việc chế tạo ôtô, đặt ra thách thức lớn thay thế hệ thống sản xuất truyền thống của Toyota.
Toyota-Testa: Cuộc chiến giành ngôi vương về chế tạo xe điện ảnh 1Mẫu xe điện Model Y Gigafactory của Tesla trưng bày tại Gruenheide, Đông Nam Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc chiến của Toyota nhằm bắt kịp Tesla trong kỷ nguyên mới của xe điện đang diễn ra ở một trong những bộ phận lâu đời nhất của ngành sản xuất ôtô: dây chuyền lắp ráp.

Nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đã tuyên bố những đột phá về công nghệ pin thể rắn và tuần trước đã đầu tư 8 tỷ USD vào thị trường xe điện của Mỹ nhằm cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư về khả năng cạnh tranh với Tesla.

Nhưng Toyota cũng đang bị Tesla thách thức về cách thức sản xuất ôtô.

Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, cho rằng các quy trình lắp ráp truyền thống cần phải được thay đổi với các phương tiện chạy bằng pin, đơn giản hóa và tăng tốc quá trình sản xuất ôtô.

Một số giám đốc điều hành và nhà phân tích ôtô kỳ vọng quy trình của Tesla - mà ông Musk gọi là "gigacasting" (công nghệ đúc nhôm kích thước lớn) - sẽ thiết lập tiêu chuẩn mới cho việc chế tạo ôtô, thay thế hệ thống sản xuất của Toyota.

Tesla đã sử dụng gigacasting làm phương pháp sản xuất xe thể thao đa dụng Model Y kể từ năm 2020. Musk cho biết ông nảy ra ý tưởng này lần đầu tiên khi xem những chiếc ôtô đồ chơi đúc khuôn của con mình - và tự hỏi tại sao không áp dụng công nghệ này cho xe thật.

Theo truyền thống, thân chính của ôtô được chế tạo bằng cách hàn hoặc dập lượng lớn các bộ phận riêng biệt với nhau. Ngược lại, gigacasting sử dụng máy đúc để ép kim loại nóng chảy vào khuôn dưới áp suất cao để tạo ra các bộ phận thân nhôm lớn, chẳng hạn như toàn bộ khung gầm xe.

Ngành công nghiệp ôtô đã sử dụng phương pháp đúc trong nhiều năm cho các thành phần nhỏ hơn, nhưng kế hoạch chế tạo toàn bộ thân xe bằng công nghệ này của Musk đã buộc các nhà sản xuất ôtô khác phải suy nghĩ lớn hơn.

Toyota-Testa: Cuộc chiến giành ngôi vương về chế tạo xe điện ảnh 2Dây chuyền lắp ráp sử dụng công nghệ Gigacasting của Tesla. (Nguồn: Insideevs)

Erik Severinson, Giám đốc chiến lược của Volvo Cars cho biết: “Megacasting là ví dụ hoàn hảo về việc bạn có thể thay thế 100 bộ phận chỉ bằng một bộ phận. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, nhân công, chi phí và không gian nhà máy, thay thế nhiều robot hàn bằng một máy duy nhất.”

Công nghệ gigacasting cho phép các nhà sản xuất ôtô làm mới dòng sản phẩm nhanh hơn. Gigacasting sử dụng vật liệu nhôm cũng là phản ứng đối với cách mà các loại pin ôtô nặng đang định hình lại cách thiết kế ôtô.

Kota Yuzawa, nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết, bạn phải sản xuất một chiếc xe nhẹ hơn và để làm được điều đó, bạn cần thân xe nhẹ hơn để cải thiện khoảng cách lái xe.

Các công ty khác trong ngành sản xuất ôtô cũng đang chú ý tới công nghệ này. Volvo sẽ tích hợp hệ thống đúc vào thế hệ xe điện thứ ba vào cuối thập kỷ này.

[Nỗi lo ngành xe điện “thổi bay” 130 tỷ USD vốn hóa của Tesla]

Giám đốc điều hành General Motors Mary Barra cho biết trong năm nay công ty đã đặt hàng hai máy “giga press” (cách gọi khác của gigacasting) với ý định sử dụng công nghệ này cho các loại xe phổ thông.

Toyota cũng đang nghiên cứu kỹ thuật tương tự nhằm mục đích tăng cường sản xuất xe điện trên quy mô lớn.

Trong một loạt chuyến tham quan nhà máy vào tháng 9, các giám đốc điều hành của Toyota đã thừa nhận rằng có nhiều điều cần học hỏi từ Tesla và các nhà sản xuất xe điện khác ở Trung Quốc.

Nhưng Toyota cho biết họ không có ý định áp dụng cách tiếp cận của Tesla để sản xuất hàng loạt xe bằng công nghệ gigacasting, thay vào đó dựa vào kinh nghiệm hàng thập kỷ qua để tìm ra cách tiếp cận riêng.

Bằng cách áp dụng gigacasting và sử dụng dây chuyền lắp ráp mới, Toyota sẽ đặt mục tiêu cắt giảm một nửa quy trình và mức đầu tư vào các nhà máy. Tuy vậy, các giám đốc điều hành đang cảnh giác với việc sản xuất những chiếc xe có khung gầm đúc duy nhất.

Toyota-Testa: Cuộc chiến giành ngôi vương về chế tạo xe điện ảnh 3Dây chuyền lắp ráp truyền thống của Toyota. (Ảnh: Bloomberg)

Hiện nay, việc thay thế một bộ phận bị hư hỏng trên xe tương đối rẻ và dễ dàng. Nếu toàn bộ phần gầm xe phải được thay thế, điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể số lượng xe bị coi là quá mức tốn kém để sửa chữa.

Các chuyên gia sản xuất đồng ý rằng đây có thể là một nhược điểm lớn của công nghệ gigacasting.

Toyota đang xem xét liệu việc sản xuất gầm xe thành nhiều mảnh có thể giảm chi phí sửa chữa và bảo hiểm hay không - những yếu tố quan trọng đối với một nhà sản xuất ôtô có thị trường toàn cầu rộng lớn hơn nhiều so với Tesla.

Giám đốc Sản xuất của Toyota, Kazuaki Shingo cho biết: “Chúng tôi thực sự không nghĩ rằng 10 triệu phương tiện của Toyota sẽ ngay lập tức chuyển sang phương pháp gigacasting,” đồng thời cho biết Toyota muốn tăng năng suất bằng cách kết hợp các dây chuyền sản xuất cũ với các phương pháp sản xuất xe điện mới.

Toyota, nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới tính theo doanh số bán hàng hàng năm, đã đặt ra kế hoạch bán 3,5 triệu xe chạy bằng pin mỗi năm kể từ năm 2030. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục