TP.HCM đón Tết Độc lập với nhiều động lực phát triển mới

Để tạo không khí cho người dân, du khách trong và ngoài nước dịp 2/9, TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí đặc sắc, các chương trình sân khấu, văn nghệ và nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.
TP.HCM đón Tết Độc lập với nhiều động lực phát triển mới ảnh 1Khắp các con phố, ngõ nhỏ đều treo cờ Tổ quốc trong không gian yên bình của ngày Tết Độc lập. (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)

Đón Quốc khánh 2/9, Thành phố Hồ Chí Minh dường như rộn ràng hơn, khẩn trương hơn với nhiều lực đẩy mới, khí thế mới, khi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã và đang đón nhận, khẩn trương triển khai nhiều cơ chế, chính sách mới cho sự phát triển, từ các Nghị quyết mới được ban hành.

Nhiều tín hiệu vui

Dạo quanh các tuyến đường trục chính ở khu vực trung tâm thành phố, cũng như các quận huyện, thành phố Thủ Đức trong những ngày có ý nghĩa lịch sử trọng đại, dễ dàng bắt gặp không khí rộn ràng chuẩn bị chào mừng Quốc khánh 2/9.

Nhiều băngrôn, ápphích, pano cổ động, cờ Đảng, cờ Tổ quốc được căng treo ở các vị trí trang trọng, rực rỡ dọc hai bên đường. Cùng đó, trụ sở các cơ quan, tổ chức đoàn thể và nhiều nơi sinh hoạt công cộng, khu vui chơi, giải trí cũng được trang trí, với nhiều hình thức đặc sắc, đa dạng.

Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 5, chia sẻ: Hòa cùng không khí đón mừng Quốc khánh 2/9, quận có nhiều hoạt động trang hoàng các trục đường chính, tổ chức các hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, khó khăn trên địa bàn.

Đặc biệt, ngày cuối cùng của tháng Tám vừa qua, quận 5 đã được xác định là địa phương không còn có hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua đó vượt kế hoạch đề ra trước 2 năm và trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành. Quận cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao sôi nổi, qua đó thắt chặt tình đoàn kết, đồng lòng trong xây dựng, phát triển khu vực nói riêng, Thành phố mang tên Bác nói chung.

Để tạo không khí vui tươi cho người dân, du khách trong và ngoài nước dịp lễ Quốc khánh 2/9, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí đặc sắc, các chương trình sân khấu, văn nghệ mang nét đặc trưng của nhiều vùng miền khác nhau, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.

[Quận đầu tiên của TP Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo]

Nổi bật có thể kể đến hoạt động thả khinh khí cầu tại khu vực đường Nguyễn Thiện Thành (đoạn phía sau đình An Khánh, từ đường N12 đến Nhà thờ Giáo xứ Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức) vào nhiều khung giờ khác nhau, trong hai ngày 2-3/9. Dịp Quốc khánh năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức bắn pháo hoa tầm cao ở khu đầu đường hầm vượt sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức), bắn pháo hoa tầm thấp tại Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11).

Lựa chọn Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến du lịch trọng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, anh Nguyễn Quốc Đạt (Hải Dương) bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển, hồi phục mạnh mẽ của thành phố. Anh Quốc Đạt cho biết không khí ở Thành phố Hồ Chí Minh rất nhộn nhịp, tấp nập như "khoác lên mình tấm áo mới," không còn những hình ảnh tang thương như giai đoạn dịch COVID-19.

Trong những ngày ở thành phố, anh Đạt cùng gia đình cố gắng trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc ở đây như khu địa đạo Củ Chi, xem bắn pháo hoa, thả kinh khí cầu vào ban đêm...

Đón lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, người dân thành phố mang tên Bác cũng đón nhận nhiều tín hiệu vui về việc thành phố đã và đang hoàn thành, cũng như triển khai nhiều công trình, dự án quy mô lớn, có ý nghĩa, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển.

Ngay trước thềm Quốc khánh 2/9, ngày 29/8, tuyến đường sắt đô thị Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đã chạy thử toàn tuyến, bước chuẩn bị quan trọng cho việc đưa vào khai thác thời gian tới. Việc tiến hành thử nghiệm liên động toàn tuyến từ ga Suối Tiên đến ga Bến Thành là một cột mốc quan trọng đối với dự án.

Thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều công trình trọng điểm, có vai trò khơi thông huyết mạch góp phần tạo đường băng cất cánh của thành phố thời gian tới đã được khởi công như đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức) và nhiều công trình giao thông có ý nghĩa liên vùng, khơi thông các cửa ngõ của thành phố đã được triển khai, mới đây nhất, chiều 31/8, Nhà ga hành khách T3-Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất với kinh phí đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng đã được khởi công.

Đặc biệt, gần 1 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp đón nhận nhiều định hướng, cũng như cơ chế, chính sách mới của Trung ương về phát triển thành phố, đặc biệt là Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023; trước đó là Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

TP.HCM đón Tết Độc lập với nhiều động lực phát triển mới ảnh 2Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng tại chiêu đãi ngoại giao đoàn mừng Quốc khánh 2/9. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp đang khẩn trương cụ thể hóa các nội dung của các Nghị quyết mang tính "xương sống" cho sự phát triển của thành phố vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tự hào là Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước.

Thành phố được đánh giá là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, năm 2023, vị thế, hình ảnh của thành phố đã được nâng cao, điển hình như: thành phố xếp hạng thứ 2 toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số; dẫn đầu cả nước về cả về doanh thu lẫn lượng khách du lịch. Thời gian tới, với nhiều cơ chế, chính sách mới được Quốc hội, Chính phủ ban hành, thành phố sẽ phát triển xứng tầm với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, là điểm đến thân thiện, là địa phương có nhiều điều kiện, tiềm năng để doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cộng đồng người nước ngoài làm việc ổn định, phát triển.

Trong bước đi phát triển mới, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số trong tổ chức triển khai thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, lập quy hoạch thành phố với trọng tâm phát triển các khu vực phụ cận và tuyến sông Sài Gòn; phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD)...

Nói như người đứng đầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi để phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết 98 không chỉ bằng nguồn lực của hệ thống chính trị thành phố, tài lực từ nguồn ngân sách, cần phải có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. Thành phố Hồ Chí Minh đang mở ra các cơ chế để doanh nghiệp thành phố phát triển, hướng đến xây dựng những doanh nghiệp dẫn đầu cả nước.

Hình ảnh một thành phố chủ động, quyết liệt, năng động, sáng tạo đã, đang và sẽ được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện một cách cụ thể, sinh động, hiệu quả. Với nội lực của mình cùng với sự vào cuộc "gỡ vướng" tích cực của Trung ương, thành phố mang tên Bác đã được tiếp thêm những động lực mới để phát triển nhanh, bền vững, tiếp tục có sự đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục