Triển khai Luật các TCTD: Cần áp dụng thủ tục rút gọn để đẩy nhanh tiến độ

Phó Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Bộ Tư pháp xem xét trong việc áp dụng thủ tục ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn để kịp thời triển khai luật này.

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn báo cáo tham luận về công tác triển khai Luật các tổ chức tín dụng năm 2024. (Ảnh: Vietnam+)
Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn báo cáo tham luận về công tác triển khai Luật các tổ chức tín dụng năm 2024. (Ảnh: Vietnam+)

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ Hai triển khai luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV diễn ra ngày 7/3, ông Đoàn Thái Sơn - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã báo cáo về công tác triển khai Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024.

Phó Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 và gửi xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Về việc thực hiện phổ biến tuyên truyền các nội dung của luật, tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 (ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ), Ngân hàng Nhà nước đã dự kiến triển khai nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật.

Về việc xây dựng danh mục văn bản quy định chi tiết Luật các tổ chức tín dụng và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, Phó Thống đốc cho biết sau khi luật được thông qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc đề xuất, xây dựng danh mục văn bản quy định chi tiết Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024.

Hiện nay, tại danh mục văn bản quy định chi tiết luật, Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất ban hành 6 văn bản đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp để hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục quy định chi tiết luật, nghị quyết và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về công tác rà soát, lập danh mục văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh danh mục văn bản quy định chi tiết Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động rà soát các nội dung tại Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền, đề xuất phân công cơ quan chủ trì thực hiện rà soát để xem xét trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật các tổ chức tín dụng theo thẩm quyền tại dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật các tổ chức tín dụng năm 2024. Theo đó, nội dung quy định tại Luật các tổ chức tín dụng thực hiện rà soát phần liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành.

Cũng theo Phó Thống đốc, Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới như quy định về Bao thanh toán, Thư tín dụng (L/C); can thiệp sớm tổ chức tín dụng; bổ sung một số khái niệm nhằm bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch trong quá trình áp dụng các quy định của Luật như vốn điều lệ, vốn được cấp, vốn pháp định, rút tiền hàng loạt… đặc biệt Luật đã quy định chỉnh sửa khái niệm Người có liên quan; sở hữu gián tiếp…

Luật cũng điều chỉnh một số quy định về trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc tổ chức tín dụng phải niêm yết, thông tin về ngừng giao dịch trong trường hợp ngừng giao dịch tại một hoặc một số địa điểm thực hiện giao dịch trong thời gian giao dịch chính thức hoặc ngừng giao dịch bằng phương tiện điện tử.

26194906_1674498545944564_1415650336_o.jpg
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh đó, Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, quy định về hoạt động của các tổ chức tín dụng, về các quy định xử lý tổ chức tín dụng có vấn đề, về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước…

“Như vậy, thời hạn để ban hành các văn bản quy định chi tiết và văn bản hướng dẫn thi hành rất gấp, cùng với số lượng văn bản cần ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhiều, khối lượng công việc lớn nên rất cần có sự phối hợp tham gia tích cực của các bộ, ngành liên quan,” ông Sơn kiến nghị.

Phó Thống đốc cho biết thêm để đảm bảo tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024, căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Bộ Tư pháp xem xét trong việc áp dụng thủ tục ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn để kịp thời triển khai thi hành Luật này.

Phó Thống đốc đề nghị, trong quá trình làm đầu mối xây dựng các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa đơn vị chủ trì soạn thảo và các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thi hành luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục