Triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi sẽ ảnh hưởng đà phục hồi trong nước

Trường hợp xung đột liên quan đến Ukraina diễn biến phức tạp, giá dầu tiếp tục ‘leo thang’ và kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, mục tiêu tăng trưởng GDP 5-6,5% của Chính phủ sẽ khó thực hiện.
Triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi sẽ ảnh hưởng đà phục hồi trong nước ảnh 1 Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn vì vậy sẽ chịu nhiều tác động đan xen tình hình kinh tế thế giới. (Ảnh minh họa. Nguồn:Vietnam+)

Trong trường hợp xung đột liên quan đến Ukraina diễn biến phức tạp, giá dầu tiếp tục ‘leo thang’ và kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, mục tiêu tăng trưởng GDP 5-6,5% của Chính phủ sẽ khó thực hiện. Hầu hết các báo cáo đánh giá gần đây cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã xấu đi đáng kể, trước thách thức về lạm phát và xung đột giữa Nga-Ukraina gia tăng, đe dọa nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn vì vậy sẽ chịu nhiều tác động đan xen, điều này khiến cho chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và kiềm chế lạm phát dưới 4% là thách thức lớn.

Các dự báo điều chỉnh xuống

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), xung đột giữa Nga và Ukraina đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người đồng thời gây ra cú sốc kinh tế nghiêm trọng và mức độ bất ổn trên toàn cầu. Trên cơ sở đó, OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 sẽ giảm hơn 1 điểm phần trăm so với mức dự báo 4,5% đưa ra vào tháng 12/2021.

Tương tự, Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu ngày 21/3 của Tổ chức Fitch Ratings nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã xấu đi đáng kể, do thách thức lạm phát gia tăng cộng thêm xung đột giữa Nga và Ukraina đe dọa nguồn cung năng lượng toàn cầu. Tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 chỉ đạt 3,5%, điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng 12/2021.

Chặng đường 3 tháng đầu năm, nền kinh tế thế giới cũng chứng khiến sự “leo thang” của giá dầu thô và khí đốt cùng các mặt hàng nông sản, vật tư đầu vào. Thêm vào đó, Tổ chức The economist (EIU) nhận định cuộc chiến ở Ukraina và mối bất hòa giữa Nga và phương Tây có thể kéo dài trong vài tháng tới. Điều này sẽ khiến giá năng lượng duy trì ở mức cao trong phần lớn thời gian của năm.

[Tổng cục Thống kê: Mục tiêu GDP tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn]

Cùng với đó, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) công bố chỉ số giá lương thực, thực phẩm (FFPI) đạt trung bình 140 điểm trong tháng Hai và tăng 5 điểm (+4%) so với tháng Một đồng thời cao hơn 24 điểm (+21%) so cùng kỳ năm 2021. Theo FAO, đây là mức cao kỷ lục và vượt qua mức cao nhất trước đó trong tháng 2/2011 (3 điểm).

Theo FAO, giá các mặt hàng nông sản đã tăng mạnh trong thời gian trước đó, song nó còn khả năng tiếp tục đi lên trong tương lai nếu xung đột ở Ukraina vẫn diễn ra. Hiện, giá lúa mì kỳ hạn đã đạt mức cao nhất trong 14 năm qua (vào ngày 1/3), giá ngô kỳ hạn, đậu nành và dầu thực vật… bị ảnh hưởng tương tự. Giá dầu cọ cũng ghi nhận mức cao kỷ lục do các thương nhân tìm kiếm nguồn cung thay thế trong bối cảnh không có các lô hàng dầu hạt hướng dương.

Trên cơ sở đó, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) dự kiến lạm phát năm 2022 tiếp tục tăng và mức trung bình khoảng 3,9% tại các nước phát triển và 5,9% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Trước những lo ngại về lạm phát, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) và đạt mức 0,5% (nhằm làm giảm đà gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng) đồng thời cho biết kế hoạch tăng thêm sáu lần nữa trong năm 2022 với lãi suất dự kiến đạt 1,9% vào cuối năm 2022.

Theo IMF, việc tiết giảm chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ khiến các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, gây áp lực lên các đồng tiền của thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Lãi suất cao hơn cũng sẽ làm cho việc đi vay trên toàn thế giới trở nên đắt đỏ hơn, gây căng thẳng tài chính công đối với các quốc gia này.

Đồng tình với quan điểm này, Ủy ban các vấn đề kinh tế-xã hội Liên Hợp quốc (UNDESA) cho rằng áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu. Và, việc thắt chặt các điều kiện tiền tệ toàn cầu nhanh hơn dự kiến là một thách thức lớn khác.

“Bất kỳ sự thay đổi bất ngờ nào trong quan điểm chính sách tiền tệ của FED có thể đột ngột thay đổi kỳ vọng của nhà đầu tư và gây ra những điều chỉnh lớn trong phân bổ danh mục đầu tư, đồng thời làm thay đổi đáng kể dòng vốn sang các nước đang phát triển,” báo cáo của UNDESA đưa ra.

17.100 doanh nghiệp rút khỏi thị trường/tháng

Trong nước, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết bức tranh kinh tế-xã hội quý 1 đã đạt được mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trong cộng đồng. Cộng thêm, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 so với cùng kỳ năm trước tăng 5,03%, chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước tăng 6,4%, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng xấp xỉ 9%, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng gần 13% và nhập khẩu tăng 16%  (xuất siêu 809 triệu USD), chỉ số  giá tiêu dùng bình quân được kiềm chế ở mức 1,92%.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,03% là mức cao so với khu vực và thế giới. Toàn cảnh cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và lạm phát ở mức phù hợp. Bên cạnh đó, khu vực sản xuất có mức phục hồi tích cực, cung-cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm. Các chỉ số trên thị trường tài chính-tiền tệ cũng chỉ ra khu vực ngân hàng hoạt động khá tốt, tổng phương tiện thanh toán trong quý tăng 2,5% so với cuối năm ngoái (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,5%) đồng thời huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,2% (cùng thời điểm năm trước tăng 0,54%) và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt trên 4% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,47%).

Triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi sẽ ảnh hưởng đà phục hồi trong nước ảnh 2Doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng được nhiều lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, con số 35.700 doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh (tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước) và 11.300 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể cộng thêm hơn 4.300 chính thức giải thể trong quý này (bình quân 17.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường/tháng) phản ánh số lượng lớn doanh nghiệp chưa thể hoạt động trở lại hoặc nếu có thì cầm chừng là rất lớn.

Theo ông Hiếu, tình hình kinh tế thế giới trong năm 2022 có chiều hướng nghiêm trọng so với khủng hoảng tài chính năm 2008. Kịch bản tích cực, chiến sự giữa Nga-Ukraina lắng dịu, hai bên đạt thỏa thuận và ngưng chiến trong quý 2, kinh tế thế giới sẽ bình ổn hơn, theo đó Việt Nam sẽ giảm phần nào những thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát đã đề ra.

“Trong trường hợp, xung đột liên quan đến Ukraina diễn biến phức tạp, giá dầu tiếp tục ‘leo thang’ và kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 5-6,5% của Chính phủ sẽ rất khó thực hiện, do tình hình kinh tế thế giới tác động mạnh đến hoạt động xuất-nhập khẩu cũng như chuỗi cung ứng của Việt Nam,” ông Hiếu trao đổi.

Bên cạnh đó, ông Hiếu nhấn mạnh sự kiện ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC bị bắt là dấu hiệu tốt, cho thấy sự quyết tâm thanh lọc những hoạt động tiêu cực trên thị trường chứng khoán của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh vụ việc này chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm,” bởi vẫn còn quá nhiều yếu tố (thao túng giá cả, lũng đoạn thị trường) làm khuynh đảo thị trường chứng khoán và cả thị trường bất động sản.

Ông Hiếu chỉ ra giá thị trường bất động sản đã tăng quá cao và quá nhanh, điều này không hợp lý trong bối cảnh tăng trưởng GDP trong hai năm 2020, 2021 của Việt Nam lại rất thấp. Do đó, ông đề xuất Chính phủ, Nhà nước và Quốc hội cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần phải có sự điều tra kỹ lưỡng về các hoạt động thao túng trên thị trường chứng khoán và bất động sản…, để hệ thống tài chính quốc gia được lành mạnh hóa.

Chuyên gia này cũng chỉ ra khu vực doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thay vì chỉ tuân thủ cam kết tại các hiệp định thương mại tự do mà phải tận dụng tối đa được lợi thế.

“Hiện tại, Việt Nam mới là đối tác quan trọng của hàng chục hiệp định thương mại tự do và trên thực tế, lợi thế từ các hiệp định cống hiến cho Việt Nam chưa nhiều,” ông Hiếu nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục