Trung Quốc cập nhật khung chính sách để ngăn rủi ro tài chính

Theo thông báo của PboC, cơ chế mới sẽ cân nhắc 7 khía cạnh khi đánh giá hệ thống tài chính để ngăn chặn rủi ro mang tính hệ thống và cải thiện sự điều chỉnh không theo chu kỳ.
Trung Quốc cập nhật khung chính sách để ngăn rủi ro tài chính ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) vừa cho biết sẽ cập nhật khung chính sách vĩ mô thận trọng nhằm hạn chế rủi ro tài chính mang tính hệ thống.

Theo thông báo của PboC, cơ chế mới sẽ cân nhắc 7 khía cạnh khi đánh giá hệ thống tài chính để ngăn chặn rủi ro mang tính hệ thống và cải thiện sự điều chỉnh không theo chu kỳ.

Tỷ lệ vốn tối thiểu, căn cứ chính để đánh giá khả năng ứng phó rủi ro khoản vay của ngân hàng, sẽ là yếu tố cốt lõi trong quá trình đánh giá.

Ngoài các khoản vay, các tài sản khác, bao gồm các khoản đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu, sẽ được bổ sung vào danh sách đánh giá của PboC đối với các tổ chức tài chính, một động thái nhằm ngăn chặn việc chuyển nhượng tài sản để tránh bị kiểm soát tín dụng.

Cơ chế mới cũng sẽ giám sát đối với việc áp đặt lãi suất phi lý để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Trung Quốc đã đạt được bước tiến trong việc tự do hóa hệ thống tài chính trong năm qua, dỡ bỏ những hạn chế với lãi suất ngân hàng và cho phép các ngân hàng tự do hơn trong việc cho vay, khi dỡ bỏ quy định về tỷ lệ khoản vay trên tiền gửi.

Liên quan đến hoạt động của các ngân hàng, các nguồn tin cho biết PboC vừa thông báo đình chỉ hoạt động về ngoại hối của ít nhất là ba ngân hàng nước ngoài cho đến cuối tháng 3/2016, mà nguyên nhân có thể là do quy mô của giao dịch ngoại hối xuyên biên giới của các ngân hàng này lớn.

Theo một giám đốc điều hành của một ngân hàng nước ngoài, việc đình chỉ như vậy là một cách để ổn định tỷ giá của đồng nhân dân tệ. Trung Quốc đã tiến hành một loạt biện pháp nhằm ổn định đồng nội tệ kể từ sau khi điều chỉnh cơ chế tỷ giá hồi tháng Tám.

Trong khi đó, các nhà cố vấn chính sách cho rằng Trung Quốc có thể thâm hụt ngân sách lớn nhất trong một nửa thế kỷ trong năm tới, khi các nhà lãnh đạo nước này tăng chi nhằm ngăn chặn đà giảm tốc của nền kinh tế, sau những kết quả thất vọng của một năm nới lỏng chính sách tiền tệ.

Chính phủ Trung Quốc được cho là sẽ tăng thâm hụt ngân sách lên tương đương 3% GDP trong năm 2016, từ mức mục tiêu 2,3% của năm 2015 để góp phần "chống lưng" cho nền kinh tế trước tác động từ việc cải cách cơ cấu./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục