Trung Quốc có định sử dụng nhân dân tệ làm vũ khí để đối phó Mỹ?

Trong một buổi trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Trump đã nhấn mạnh rằng: "Tôi nghĩ Trung Quốc hoàn toàn đang thao túng thị trường tiền tệ của họ."
Trung Quốc có định sử dụng nhân dân tệ làm vũ khí để đối phó Mỹ? ảnh 1Đồng 100 nhân dân tệ của Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng cnbc.com đưa tin, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thay đổi cách thức quản lý tiền tệ của nước này là một tín hiệu cho thấy giới chức Trung Quốc không có ý định sử dụng đồng nhân dân tệ như một loại vũ khí để đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nước.

Trong vài tháng qua, đồng nhân dân tệ liên tục giảm giá một phần do đồng USD mạnh lên và phần khác do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và các nhà đầu tư vẫn duy trì tâm lý đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá.

Đồng nhân dân tệ đã chịu áp lực căng thẳng trong vài tuần gần đây trước những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - một phần do tác động từ cuộc xung đột thuế quan đang diễn ra với Mỹ.

Ngày 24/8 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thông báo rằng họ đang áp dụng lại một phương pháp tính toán có tên gọi "nhân tố chống khủng hoảng chu kỳ" (counter-cyclical factor) như một phần cơ chế định giá tỷ giá trung tâm so với đồng USD nhằm neo tỷ giá trung bình hàng ngày của đồng nhân dân tệ ở mức ổn định tương đối.

PBOC cũng cho biết Trung Quốc đã thực hiện hệ phương pháp này từ tháng 5/2017 cho đến đầu năm 2018 nhưng chưa bao giờ giải thích điều đó có ý nghĩa gì về mặt chính sách.

Rất nhiều người hiểu thuật ngữ này có nghĩa là Ngân hàng Trung ương sẽ nỗ lực để đối phó với bất cứ thế lực thị trường nào đang cố gắng tác động đến thị trường tiền tệ.

[Thủ tướng Malaysia dự báo đồng nhân dân tệ "soán ngôi" đồng USD]

Trong trường hợp này, Bắc Kinh sẵn sàng đối phó với những thương nhân kéo giá trị đồng nhân dân tệ thấp hơn so với đồng USD.

Đồng nội tệ của Trung Quốc (hay còn gọi là đồng nhân dân tệ), cùng với một rổ tiền tệ khác cũng là một nhân tố khi được ấn định tỷ giá hàng ngày so với đồng USD ở mức trung bình để đồng tiền này có thể dao động lên xuống ở mức 2%.

Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cho rằng "nhân tố chống khủng hoảng chu kỳ" vốn dĩ không thiên về việc định hướng cho đồng nhân dân tệ và thay vào đó nó chỉ có nghĩa là giữ cho đồng nhân dân tệ tương đối ổn định so với các đồng tiền khác.

Giá trị đồng nhân dân tệ so với đồng USD đã có tác động ảnh hưởng đến cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc bởi việc đồng nhân dân tệ giảm giá đã góp phần làm giảm bớt những tác động của việc Mỹ áp thuế đối với hàng hoá Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hiểu được điều đó khi cáo buộc Bắc Kinh áp dụng những biện pháp không công bằng trên thị trường ngoại hối.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters tuần trước, ông Trump đã nhấn mạnh rằng: "Tôi nghĩ Trung Quốc hoàn toàn đang thao túng thị trường tiền tệ của họ."

Trên thực tế, một đồng tiền yếu có thể hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu của quốc gia khi làm cho sản phẩm của mình rẻ hơn so với của các quốc gia khác và từ đó góp phần tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Theo một lưu ý của Ngân hàng Mizuho ngày 27/8, "động thái trên của PBOC có thể xem như một tín hiệu được mã hoá cho chính sách củng cố đồng nhân dân tệ."

Quan trọng hơn, bước đi đó của PBOC càng nhấn mạnh rằng điểm yếu của đồng nhân dân tệ chính là bởi nó không phải là "một vũ khí" trong cuộc xung đột thương mại.

Mở phiên giao dịch ngày 27/8, giá trị đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong vòng nửa tháng qua sau khi Ngân hàng Trung ương nước này điều chỉnh chính sách tỷ giá để hỗ trợ đồng nội tệ.

Giá trị đồng nhân dân tệ giao dịch ngay tại nội địa đạt mức 6,8080 nhân dân tệ/USD - mức cao nhất kể từ ngày 8/8 vừa qua.

Trong khi giá trị đồng nhân dân tệ giao dịch tại thị trường hải ngoại cũng tăng lên mức 6,7818 nhân dân tệ/USD - mức cao nhất kể từ ngày 31/7.

Cũng trong ngày 27/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bắt đầu nâng tỷ giá trung tâm của đồng nhân dân tệ lên 6,8508 nhân dân tệ/USD, cao hơn so với mong đợi của thị trường.

Trong một thông báo công bố ngày 24/8 vừa qua, PBOC cho biết Bắc Kinh kỳ vọng việc áp dụng lại biện pháp trên sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ ổn định giá trị của đồng nhân dân tệ.

Ngân hàng này cũng nhấn mạnh thêm rằng biện pháp đó đã có tác dụng "làm giảm thiểu một cách hiệu quả các hành vi thị trường theo chu kỳ và những kỳ vọng thị trường ổn định."

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Khôn mới đây cũng đưa ra tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ duy trì đáp trả các biện pháp thuế quan của Mỹ, song nhấn mạnh sẽ cố gắng hết sức có thể để tránh làm tổn hại các doanh nghiệp tại Trung Quốc, bao gồm các doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp nước ngoài.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Lưu Khôn cũng đã lưu ý thêm rằng "Trung Quốc không muốn can dự vào một cuộc chiến tranh thương mại, song sẽ cương quyết đáp trả các biện pháp vô lý của Mỹ" để bảo vệ lợi ích của mình.

Ông cho rằng nếu căng thẳng thương mại kéo dài, các doanh nghiệp, việc làm, xuất khẩu và sản xuất đều sẽ bị tác động.

Phát biểu này của ông Lưu Khôn được đưa ra sau khi các quan chức thương mại Trung Quốc và Mỹ kết thúc vòng đàm phán mới tại Washington kéo dài trong hai ngày 22-23/8 vừa qua.

Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên kể từ đầu tháng 6 nhằm tìm lối thoát cho căng thẳng thương mại đang leo thang giữa hai nước nhưng không đạt được bước đột phá nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục