Trung Quốc sẽ quyết định cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Trung Quốc hiện chiếm 29% lượng phát thải khí carbon dioxide toàn cầu, trong khi của Mỹ là 16%, EU khoảng 10% và Ấn Độ là 7%.
Trung Quốc sẽ quyết định cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ảnh 1Khói bốc lên tại một nhà máy nhiệt điện ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, miền Đông Bắc Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành nhân vật phản diện trong câu chuyện chống biến đổi khí hậu. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos vừa qua, ông Trump đã đóng vai này một cách hoàn hảo khi nói các nhà hoạt động môi trường là “những nhà tiên tri bạc phận,” trong khi đó Greta Thunberg, nhà hoạt động thiếu niên, là khán giả theo dõi.

Tuy nhiên, theo tờ Financial Times của Anh, nếu xem xét các con số thì rõ ràng là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay phụ thuộc nhiều vào những gì xảy ra ở Trung Quốc hơn là ở Mỹ.

Theo Liên minh các nhà khoa học quan tâm (UCS), Trung Quốc hiện chiếm 29% lượng phát thải khí carbon dioxide toàn cầu, trong khi của Mỹ là 16%, EU khoảng 10% và Ấn Độ là 7%.

Ngay cả trên cơ sở bình quân đầu người, người Trung Quốc hiện cũng đang thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn so với người châu Âu và điều này đã diễn ra kể từ năm 2014.

Như chính quyền Trump muốn nêu ra, khí thải nhà kính của Mỹ thực sự đã giảm trong năm ngoái- dù chỉ giảm 2,1%. Điều này phần lớn là do việc sản xuất điện bằng than ở Mỹ đã giảm mạnh và hiện đã quay về mức như năm 1975. Ngược lại, Trung Quốc tiếp tục khánh thành các nhà máy nhiệt điện than mới.

Tuy nhiên, thái độ hoài nghi đối với biến đổi khí hậu của chính quyền Trump vẫn là vấn đề.

Mỹ đã dẫn đầu trong việc xây dựng hầu hết các thể chế và thỏa thuận quốc tế quan trọng giúp định hình trật tự thế giới hiện tại. Nếu Mỹ không tham gia nỗ lực toàn cầu để chống biến đổi khí hậu, những nước khác sẽ phải đảm nhận vai trò lãnh đạo để đạt được một thỏa thuận quốc tế.

[Khi biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai]

Hệ thống độc đoán và "nghiện" than của Trung Quốc có nghĩa là nước này sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Người châu Âu rất nhiệt tình với vấn đề này nhưng lại thiếu tổ chức và sức mạnh quốc tế để chịu trách nhiệm. Những tranh luận của EU về việc áp “thuế carbon”- về cơ bản là đánh thuế hàng nhập khẩu từ các quốc gia gây ô nhiễm nặng nề- cũng có thể dẫn đến các tranh chấp thương mại quyết liệt khiến việc đạt được thỏa thuận quốc tế càng khó khăn hơn.

Nhưng một nước nào đó sẽ phải cung cấp sự lãnh đạo nhanh chóng, bởi vì năm nay sẽ rất quan trọng đối với các nỗ lực quốc tế về chống biến đổi khí hậu. Tháng 11, Anh sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu- COP26.

Đây sẽ là một cuộc họp đặc biệt quan trọng bởi vì các quốc gia tham gia sẽ nhận ra rằng các cam kết mà họ đưa ra theo thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015 là không đủ để thực hiện mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Glasgow tháng 11 tới, họ sẽ phải cam kết thực hiện các mục tiêu chi tiết và tham vọng hơn để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nhưng COP26 diễn ra chỉ 6 ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nếu ông Trump tái đắc cử, điều đó sẽ khẳng định rằng Mỹ về cơ bản không tham gia các nỗ lực toàn cầu để chống biến đổi khí hậu.

Ngày 4/11, một ngày sau cuộc bầu cử, Mỹ dự kiến sẽ chính thức rút khỏi thỏa thuận Paris. Điều đó sẽ tăng áp lực lên EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Anh (với tư cách là chủ nhà) để duy trì nỗ lực chống biến đổi khí hậu thông qua hành động phối hợp toàn cầu.

Adam Tooze, Giáo sư tại Đại học Columbia, người đang viết lịch sử chính trị chống biến đổi khí hậu quốc tế, nói rằng tháng 11/2020 sẽ là một “thời điểm quan trọng trong lịch sử toàn cầu.”

Một trong những điều nổi bật trong tranh luận chống biến khí hậu ở Davos là cách mà chủ đề dường như được nêu ra lơ lửng ở mỗi phiên họp - ngay cả ở những phiên họp được dành cho các chủ đề khác.

Đặc biệt nổi bật là Ashraf Ghani, Tổng thống Afghanistan, nói rằng nỗi sợ lớn nhất của ông là suy thoái môi trường- thậm chí còn hơn cả cuộc xung đột kéo dài vẫn đang tồn tại ở đất nước này: “Chúng tôi từng bị hạn hán một lần mỗi 100 năm, hiện tại dường như chỉ 5 năm một lần.”

Tại Davos, các chính trị gia châu Phi đã đưa ra những quan điểm tương tự về sự gia tăng hạn hán ở khu vực Sahel và cách mà biến đổi khí hậu thúc đẩy các cuộc xung đột liên quan đến đất đai và nguồn nước, và việc di dân.

Tin xấu cho Trái Đất là sự tăng trưởng liên tục của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ làm tăng nhu cầu về ôtô, điện, thịt và du lịch nước ngoài - những thứ sẽ tạo ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính hơn.

Tin tốt là chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng họ hiểu biến đổi khí hậu và ô nhiễm là những mối đe dọa trực tiếp đến tương lai của Trung Quốc, gây ra hạn hán, thiếu nước và nước biển dâng cao đe dọa các thành phố lớn như Thượng Hải.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã thể hiện một số cam kết đối với hành động vì môi trường thông qua những nỗ lực cải thiện chất lượng không khí ở các thành phố lớn như Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc cũng đã đổ tiền và chuyên môn vào việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Trong những tháng tới, người Trung Quốc và châu Âu sẽ cố gắng hợp tác để xây dựng các mục tiêu quốc tế mới nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nếu họ thành công, hội nghị tới của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu có thể bảo tồn hy vọng rằng một cộng đồng quốc tế vẫn có thể cùng nhau giải quyết mối đe dọa chung cho nhân loại- dù điều gì xảy ra trong cuộc bầu cử ở Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục