Trung-Triều và Mỹ-Hàn: Hai liên minh hoàn toàn trái ngược

Trung Quốc và Triều Tiên “kề vai sát cánh” bởi họ có chung niềm kỳ vọng rằng Mỹ sẽ giảm sự hiện diện quân sự ở Hàn Quốc, trong khi vẫn chưa thấy bất kỳ sự gắn kết nào giữa lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ.
Trung-Triều và Mỹ-Hàn: Hai liên minh hoàn toàn trái ngược ảnh 1Ngày 8/1, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2, phải) có cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, trái) đang ở thăm Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng english.chosun.com, Trung Quốc và Triều Tiên đã thể hiện một liên minh vững chắc bằng chuyến thăm mới đây nhất của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Bắc Kinh và khẳng định họ sẽ “cùng nhau nghiên cứu” tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa đầy phức tạp.

Năm 2019 đánh dấu 70 quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng này, ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng sẽ đến thăm Bình Nhưỡng lần đầu tiên vào cuối năm nay.

Dù Trung Quốc đã giữ khoảng cách với Triều Tiên suốt năm 2018, tuy nhiên hiện nay, những đồng minh “khó chiều” này lại đang phô diễn tình đoàn kết trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp tới gần.

[Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Mỹ nắm bắt thời cơ với Triều Tiên]

Trung Quốc và Triều Tiên đang “kề vai sát cánh” bởi họ có chung niềm kỳ vọng rằng Mỹ sẽ giảm sự hiện diện quân sự ở Hàn Quốc.

Trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên diễn ra tại Singapore hồi tháng 6/2018, ông Trump cam kết sẽ ngừng các cuộc tập trận quân sự chung hàng năm với Hàn Quốc mà không hề bàn bạc trước với đồng minh quân sự của mình.

Đó là một món quà bất ngờ dành cho Trung Quốc, nước luôn dành phần lớn sự quan tâm của mình đến việc làm suy yếu sự kiểm soát của Mỹ ở Đông Á.

Trong khi đó, trọng tâm chính của ông Trump lại là giảm số tiền mà người nộp thuế phải chi trả cho các dự án quân sự của Mỹ ở nước ngoài.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã từ chức trong bối cảnh sự hiện diện của Mỹ ngày một suy giảm, và với ông Mattis, phương thức bảo vệ cuối cùng cho liên minh quân sự Mỹ-Hàn cũng đã biến mất. Triều Tiên và Trung Quốc chắc chắn sẽ tận dụng lợi thế từ sự chia rẽ này.

Nếu không còn sự can thiệp của những người hiểu chuyện và dày dặn kinh nghiệm, ông Trump có thể sẽ tàn phá nền an ninh quốc gia Hàn Quốc bởi ông muốn các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên cũng như các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đạt được một kết quả nào đó.

Trung-Triều và Mỹ-Hàn: Hai liên minh hoàn toàn trái ngược ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: scmp.com)

Chính phủ Hàn Quốc nên làm mọi thứ trong khả năng của mình để níu giữ ông Trump và cho thấy Hàn Quốc là một đối tác đáng giá.

Tuy nhiên, trên thực tế, mọi thứ đang diễn ra theo hướng ngược lại. Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức 10 vòng đàm phán vào năm 2018 nhằm quyết định xem mỗi bên nên chi trả bao nhiêu để giữ binh lính Mỹ ở lại Hàn Quốc như một biện pháp ngăn chặn sự xâm lược của Triều Tiên.

Tuy vậy, ông Trump khăng khăng yêu cầu Hàn Quốc phải chi trả một phần ngân sách đáng kể.

Trong lúc đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gợi ý mở cửa trở lại Khu công nghiệp chung Kaesong và nối lại các hoạt động du lịch với Triều Tiên bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế dành cho Triều Tiên.

Gần như ngay lập tức, Mỹ bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp này có thể “làm xấu đi” quan hệ Seoul-Washington và làm xáo trộn những nỗ lực buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Mỹ nghi ngờ Hàn Quốc có ý định làm suy yếu các biện pháp trừng phạt, vốn là đòn bẩy duy nhất trong việc đối phó với Triều Tiên.

Những tiến triển mới nhất là vô cùng đáng báo động. Mỹ và Pháp vừa quyết định phái tàu chiến đến Nhật Bản để ngăn chặn Triều Tiên buôn lậu dầu mỏ và vũ khí trên biển.

Kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc đã dựa vào những hỗ trợ bảo vệ biên giới của Mỹ, và điều đó đã khiến nước này có thể chứng kiến sự hồi sinh kinh tế đầy kỳ diệu.

Tuy nhiên, trong khi ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un thể hiện tình “tương thân tương ái,” cũng như việc ông Donald Trump và ông Kim Jong-un hay ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in trao đổi những lá thư đầy hữu nghị, chúng ta vẫn chưa thấy bất kỳ sự gắn kết nào giữa lãnh đạo Hàn Quốc và lãnh đạo Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục