Truyền thông Đức: Chính sách Đổi mới của Việt Nam là đúng đắn

Theo trang tin Tagesschau.de thuộc kênh truyền hình quốc gia Đức ARD, sau khi áp dụng chính sách Đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình nhanh chóng về kinh tế và trở thành điểm đến ưa thích của nhà đầu tư.
Truyền thông Đức: Chính sách Đổi mới của Việt Nam là đúng đắn ảnh 1Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Seyoung Inc (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Hòa Bình). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trang tin Tagesschau.de thuộc kênh truyền hình quốc gia Đức ARD đăng tải bài viết ca ngợi chính sách Đổi mới của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, giúp kinh tế tăng trưởng và thu hút đầu tư.

Việc Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam vừa kết thúc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã cho thấy rõ điều đó.

Bài báo cho biết, với trên 90 triệu dân, thị trường Việt Nam sẽ mang lại những cơ hội mới quan trọng cho các doanh nghiệp châu Âu. Sau khi áp dụng chính sách Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã chuyển mình nhanh chóng về kinh tế và trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó có những tên tuổi lớn như Samsung, LG hay Toyota, đã đầu tư hàng tỷ euro ở Việt Nam. Sau Trung Quốc, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2014 đạt 28 tỷ euro.

EU xuất sang Việt Nam các sản phẩm công nghệ cao, ôtô, máy móc và các sản phẩm y tế, trong khi nhập về chủ yếu là các sản phẩm điện tử, càphê, hàng dệt may, gạo và đồ gỗ.

Bài báo nhận định Việt Nam đã luôn nỗ lực để kiềm chế lạm phát và việc này đã mang lại kết quả. Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng mạnh ở mức khoảng 6% trong năm nay và năm tới. Triển vọng kinh tế được củng cố nhờ giá dầu giảm, tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất thấp. Bên cạnh đó, Việt Nam có dân số trẻ với hơn 40% dưới 25 tuổi, trong đó đa phần chăm chỉ và được đào tạo tốt. Ban lãnh đạo Việt Nam cũng đặt mục tiêu tới năm 2020 đưa đất nước trở hành nước công nghiệp hiện đại.

Cùng những thành tựu kể trên, bài báo cũng chỉ ra một số tồn tại cần sớm giải quyết. Các chuyên gia cho rằng tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước yếu kém cần được đẩy nhanh nhằm tạo sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần quan tâm tới việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đồng, gỗ, dầu thô hoặc bôxít đi đôi với bảo vệ môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục