UNAMID hoan nghênh việc ký thỏa thuận khung về Darfur

Đại diện đặc biệt của UNAMID, ông Jeremiah Mamabolo, đánh giá thỏa thuận giữa Chính phủ chuyển tiếp ở Sudan và các phong trào vũ trang ở khu vực Darfur “là bước tiến rất tích cực.”
UNAMID hoan nghênh việc ký thỏa thuận khung về Darfur ảnh 1Người biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở quân đội ở Khartoum, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (UNAMID) ngày 30/12 đã hoan nghênh việc Chính phủ chuyển tiếp ở Sudan và các phong trào vũ trang ở khu vực Darfur ký thỏa thuận khung trong khuôn khổ đàm phán hòa bình ở Juba, Nam Sudan hôm 28/12 vừa qua.

Thỏa thuận khung sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình bằng cách phác thảo các vấn đề và nguyên tắc chính để định hướng các cuộc đàm phán đang diễn ra và làm cơ sở cho một thỏa thuận hòa bình công bằng và toàn diện.

Đại diện đặc biệt của UNAMID, ông Jeremiah Mamabolo, đánh giá thỏa thuận trên “là bước tiến rất tích cực.”

[Sudan: Các bên nhất trí về lộ trình chấm dứt xung đột ở Darfur]

UNAMID hoan nghênh Chính phủ chuyển tiếp ở Sudan và các lực lượng ở Darfur đã đạt được thỏa thuận này, đồng thời khuyến khích các bên nỗ lực thu hẹp bất đồng và sớm tìm được tiếng nói chung.

Ông Mamabolo khẳng định UNAMID sẽ tiếp tục hỗ trợ các cuộc hòa đàm ở Juba, phù hợp với Nghị quyết 2495 năm 2019 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, theo đó gia hạn nhiệm vụ của UNAMID đến ngày 30/10/2020.

Trong khả năng của UNAMID, phái bộ này sẽ hỗ trợ tất cả các bên đàm phán đạt được mục tiêu cuối cùng là hòa bình lâu dài và một tương lai thịnh vượng cho tất cả người dân Sudan.

Phái bộ UNAMID được thành lập vào năm 2007, sau khi nổ ra cuộc nội chiến ở Sudan năm 2003. Cuộc nội chiến đã khiến hàng chục nghìn người tại Darfur thiệt mạng và gần 2 triệu dân thường phải rời bỏ nhà cửa.

Ngày 28/12 vừa qua, đại diện Chính phủ chuyển tiếp ở Sudan và Mặt trận Cách mạng Sudan (SRF) - liên minh gồm 9 nhóm nổi dậy - đã ký thỏa thuận về lộ trình hướng tới chấm dứt xung đột ở Darfur.

Văn kiện này đưa ra các vấn đề mà các bên sẽ cần phải thương lượng trong vòng đàm phán mới nhất tại Juba. Hai bên nhất trí cần sớm giải quyết các vấn đề là căn nguyên xung đột, hồi hương người tị nạn và tái định cư những người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong nước, vấn đề chia sẻ quyền lực và tiếp nhận các tay súng vào lực lượng quân đội quốc gia.

Thỏa thuận cũng nêu rõ Chính phủ Sudan sẽ phải giải quyết các vấn đề đất đai, tài sản bị phá hủy trong xung đột.

Trước đó, ngày 15/12, Chính phủ Sudan và các nhóm vũ trang tham gia đàm phán hoà bình ở thủ đô Juba của Nam Sudan cũng đã thống nhất gia hạn thỏa thuận ngừng bắn đến tháng 2/2020.

Các cuộc đàm phán hoà bình giữa chính phủ chuyển tiếp ở Sudan và các nhóm đối lập bắt đầu được tổ chức tại Nam Sudan từ tháng 10 năm nay, nhằm chấm dứt xung đột giữa các nhóm phiến quân và lực lượng của chính phủ dưới thời cựu Tổng thống Omar al-Bashir ở các bang Darfur, Blue Nile và Nam Kordofan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục