“Ứng nghiệm thành đạt” - Tập truyện ký đậm chất sử học và triết lý

Trong tập truyện ký, tác giả Quân Yên giới thiệu những câu chuyện phảng phất yếu tố văn hóa tâm linh, mang đậm chất sử học, triết lý nhân quả và cả những câu chuyện mang hơi thở đương đại.
“Ứng nghiệm thành đạt” - Tập truyện ký đậm chất sử học và triết lý ảnh 1Tập truyện ký “Ứng nghiệm thành đạt” của tác giả Quân Yên

Tác giả Quân Yên (bút danh của nguyên nhà báo TTXVN Vũ Xuân Bân) vừa cho ra mắt bạn đọc tập truyện ký “Ứng nghiệm thành đạt,” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 8/2023.

Tập truyện ký gồm 15 câu chuyện, có câu chuyện phảng phất yếu tố văn hóa tâm linh, mang đậm chất sử học và triết lý nhân quả. Một số câu chuyện khác phản ánh tình trạng lạm dụng quyền lực của một số cán bộ thoái hóa, biết chất, nhăm nhe vun vén làm giàu bất chính, gây bức xúc trong dư luận.

Tác giả mở đầu tập sách với truyện ký “Ứng nghiệm Sấm Trạng Trình.” Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhân tài của nước ta thời phong kiến. Tài năng của ông khiến bốn thế lực phong kiến đương quyền khi đó phải nể phục, thực hiện theo lời khuyên của ông (nhà Mạc, nhà Lê-Trịnh, nhà Nguyễn).

Lời khuyên của Trạng Trình đối với nhà Nguyễn thể hiện tầm nhìn chiến lược, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành địa đồ quốc gia Việt Nam hiện nay. Việc nhà Nguyễn di chuyển vào vùng Thuận Hóa tạo điều kiện mở rộng xuống phía Nam không chỉ cho Nguyễn Hoàng, cho Đàng Trong mà cho cả nước Việt, để có được bờ cõi đất nước hình chữ S như ngày hôm nay.

Chính vì vậy, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được sử sách lưu danh là nhà dự báo, “nhà hoạch định chiến lược” kỳ tài, coi ông là nhà tiên tri số một của nước Việt.

Tác giả nhấn mạnh một chi tiết đáng chú ý, đó là trong “Bạch Vân am thi tập” của Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài thơ “Cự ngao đới sơn” sáng tác cách nay hơn 500 năm.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp thời gian gần đây, giới nghiên cứu ở Việt Nam đã nhiều lần nhắc đến hai câu thơ trong bài thơ “Cự ngao đới sơn” mang tính dự báo thiên tài của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình.”

Với tính thời sự trong bài thơ có tuổi đời 5 thế kỷ, có thể nói Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một tầm nhìn chiến lược thấu suốt về chủ quyền của đất nước trên Biển Đông.

[Đọc “Đỗ Xuân Oanh - Cánh chim Oanh của Mùa Xuân Cách mạng”]

Trong truyện ký “Chết thảm vì con rể,” tác giả xâu chuỗi các tư liệu lịch sử, đưa ra bài học về cái chết của hai vị vua trong lịch sử Việt Nam, đó là An Dương Vương vào năm 179 trước Công nguyên và Triệu Việt Vương vào ngày 5 tháng Giêng năm Tân Mão ( năm 571 sau Công nguyên).

Cả hai vị vua này đều bị giặc truy đuổi, phải tuẫn tiết ở cửa biển. Theo truyền thuyết, vua An Dương Vương tuẫn tiết ở cửa biển Mộ Dạ (Diễn Châu, Nghệ An). Còn Triệu Việt Vương tuẫn tiết ở cửa biển Đại Nha, còn gọi Đại An, thuộc Nam Điền, huyện Câu Lậu, hiện thuộc tỉnh Nam Định.

“Ứng nghiệm thành đạt” - Tập truyện ký đậm chất sử học và triết lý ảnh 2Tác giả Quân Yên, tên thật là Vũ Xuân Bân, từng là phóng viên chiến trường khóa GP10 của Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam). 

Câu chuyện về cái chết của hai vị vua tiền bối này đan xen giữa hai bi kịch mất nước và tình yêu. Chính bi kịch mất nước đã tạo nên bi kịch tình yêu và bi kịch tình yêu đã khởi nguồn cho bi kịch mất nước.

Cả hai tấn bi kịch của An Dương Vương và Triệu Việt Vương đều bắt nguồn từ sự mất cảnh giác, không nghe lời khuyên giải, can gián của các bậc trung thần, để tình riêng lấn át tầm nhìn của một đấng minh quân, đặt lợi ích của gia đình lên trên lợi ích quốc gia, dẫn đến kết cục bi thảm, “Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” (Tố Hữu).

Tập truyện ký của Quân Yên còn giúp bạn đọc hiểu thêm những phát hiện mới về hậu kỳ Nhà Mạc cách nay gần 400 năm với “Khám phá bí ẩn đồi Diệm Xuân” ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc); gợi nhớ về “Báu vật của làng” ở Đồng bằng Bắc Bộ đang bị mai một; những điều rút ra từ “Hương cổ làng Mỹ Lộc.”

Trong tập truyện ký, tác giả còn nhắc nhớ, tri ân bậc tiền nhân “Thái sư Á vương Đào Cam Mộc;” “Không được lãng quên” những người có công với nước như Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Nhạc; ngợi ca nét tài hoa của cố Nhiếp ảnh gia Nguyễn Chính và Thi sỹ Bùi Văn Dung, cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là tác giả hai bài thơ nổi tiếng được Nhạc sỹ Phạm Tuyên phổ nhạc “Gửi nắng cho em” (tháng 12/1975) và “Con kênh ta đào” (sáng tác tháng 6/1976, phổ nhạc mùa Hè năm 1977) đã trở thành ca khúc đi cùng năm tháng rất đỗi thân quen với công chúng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục