UNHCR quan ngại về tình hình biên giới giữa Belarus và Ba Lan

Người phát ngôn của UNHCR nhấn mạnh tình trạng người di cư đổ về khu vực biên giới Belarus để tìm cách vào Ba Lan là đáng báo động và cơ quan này quan ngại về số phận của phụ nữ và trẻ em ở đây.
Binh sĩ Ba Lan gác tại khu vực Usnarz Gorny, gần Bialystok, biên giới Ba Lan - Belarus ngày 20/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sĩ Ba Lan gác tại khu vực Usnarz Gorny, gần Bialystok, biên giới Ba Lan - Belarus ngày 20/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 9/11, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) bày tỏ lo ngại về việc hàng trăm người di cư tập trung tại biên giới giữa Ba Lan và Belarus.

Tại cuộc họp báo, người phát ngôn của UNHCR Shabia Mantoo nhấn mạnh tình trạng người di cư đổ về khu vực biên giới Belarus để tìm cách vào Ba Lan là đáng báo động và cơ quan này quan ngại về số phận của phụ nữ và trẻ em ở đây.

Cùng ngày, Điện Kremlin bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan - nơi những người di cư đang cố gắng vượt biên trái phép vào Ba Lan, đồng thời hoan nghênh các chuyên gia của Belarus đã tới giúp những người di cư ở khu vực biên giới, gọi đây là việc làm thể hiện trách nhiệm.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Moskva đã liên lạc chặt chẽ với Minsk về vấn đề này, đồng thời kêu gọi tất cả các bên hành động có trách nhiệm.

Trong khi đó, hãng thông tấn Belta của Belarus đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko về tình hình biên giới với Ba Lan.

EU bày tỏ ủng hộ Ba Lan ngăn chặn cuộc khủng hoảng di cư này.

[Ba Lan triển khai 10.000 binh lính bảo vệ biên giới với Belarus]

Ngày 9/11, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho hay Liên minh châu (EU) đang giám sát các chuyến bay từ hàng chục nước đến Belarus, bao gồm các các chuyến bay hai chiều và tần suất của các chuyến nhằm ngăn chặn những người di cư.

Người phát ngôn cũng liệt kê các chuyến bay từ các nước đến Belarus như Maroc, Syria, Iran, Qatar, Nam Phi, Somalia, Ấn Độ, Sri Lanka, Venezuela, Nga, Azerbaijan, Tunisia, Algeria, Libya và Yemen. Theo EU, khoảng 2.000 người di cư tập trung tại biên giới giữa Belarus và Ba Lan đang cố tìm cách vào EU.

Chính phủ các nước thành viên EU đã đình chỉ tạm thời một thỏa thuận về tạo điều kiện cấp thị thực cho quan chức Belarus liên quan đến cuộc khủng hoảng người di cư tại biên giới giữa nước này với Ba Lan và Litva - hai quốc gia thành viên EU.

Tuyên bố của EU nhấn mạnh quyết định trên sẽ chỉ ảnh hưởng đến các quan chức Belarus, chứ không gây khó khăn cho thủ tục xin cấp thị thực của các công dân nước này.

Trước đó một ngày, chính quyền Ba Lan cho biết hàng nghìn người di cư đã kéo tới gần biên giới Belarus để tìm cách xâm nhập vào Ba Lan.

Warsaw cho rằng chính quyền Minsk để cho các đoàn người di cư tự do di chuyển đến biên giới để đáp trả việc các nước EU trừng phạt nước này.

Về phần mình, Belarus luôn bác bỏ cáo buộc này. Ngày 9/11, Bộ Quốc phòng Belarus khẳng định đây là những cáo buộc vô căn cứ, đồng thời đồng thời cho rằng Ba Lan đang cố tình làm leo thang căng thẳng.

Phía Belarus cho biết Ba Lan đã triển khai 10.000 binh lính đến khu vực biên giới với Belarus mà không thông báo trước với Minsk, cho rằng động thái này vi phạm các thỏa thuận an ninh chung.

Minsk dẫn nội dung các thỏa thuận nêu rõ bất kỳ bên nào muốn triển khai hơn 6.000 binh lính đến khu vực biên giới đều phải thông báo để bên còn lại đưa quan sát viên tới khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục