UNHCR và Bangladesh xúc tiến kế hoạch hồi hương người tị nạn Rohingya

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ có cuộc họp kín vào ngày 21/8 về kế hoạch hồi hương người tị nạn Rohingya, thể theo đề nghị của Bỉ, Anh, Pháp, Đức và Mỹ.
UNHCR và Bangladesh xúc tiến kế hoạch hồi hương người tị nạn Rohingya ảnh 1Trẻ em Rohingya tại một lớp học ở trại tị nạn Kutupalong, Ukhia của Bangladesh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và nhà chức trách Bangladesh ngày 20/8 đã bắt đầu tham vấn hơn 3.000 người Rohingya đến từ Myanmar để xác định những ai có nhu cầu hồi hương.

Đây là nỗ lực lần thứ 2 nhằm hồi hương người Hồi giáo Rohingya từng rời khỏi Myanmar sang Bangladesh gần 2 năm trước.

Đã có hơn 730.000 người Rohingya vượt biên từ bang Rakhine của Myanmar để tới Bangladesh do cuộc xung đột vũ trang vào tháng 8/2017.

Nhiều người tị nạn đã từ chối trở nước do lo ngại sẽ có thêm nhiều cuộc bạo động nữa.

Hiện Myanmar đã xác minh cho 3.450 người trong danh sách 22.000 người phía Bangladesh cung cấp.

Người phát ngôn của UNHCR Louise Donovan ở thị xã Cox’s Bazar của Bangladesh, cho biết “Cuộc khảo sát sẽ bắt đầu hôm nay, Chính phủ Bangladesh và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn sẽ thảo luận với những người muốn hồi hương.”

[LHQ tái khởi động kế hoạch hồi hương người Rohingya về Myanmar]

Bà cũng cho biết thêm rằng những người có mong muốn được hồi hương sẽ được phỏng vấn kín để xác nhận là họ tự nguyện.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ có cuộc họp kín vào ngày 21/8 về kế hoạch hồi hương người tị nạn Rohingya, thể theo đề nghị của Bỉ, Anh, Pháp, Đức và Mỹ.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào sẽ bắt đầu đợt hồi hương vì cần phải sàng lọc và thẩm tra tất cả các cá nhân và trên thực tế là Bangladesh đang đón kỳ nghỉ lễ lớn. Do đó, việc này cũng có thể bị trì hoãn như hồi năm 2018.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), hiện 80% người tị nạn Rohingya ở Bangladesh hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ lương thực của WFP.

Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc đã chi 24 triệu USD mỗi tháng để hỗ trợ lương thực cho gần 900.000 người tị nạn Rohingya ở Bangladesh.

Nếu không có sự đóng góp tài chính thường xuyên, liên tục của cộng đồng quốc tế, tình hình người tị nạn Rohingya ở Bangladesh càng trở nên tồi tệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục