Ủy ban Nhật-Hàn điều hành quỹ hợp tác của doanh nghiệp hai nước

Quỹ hợp tác chung của Nhật Bản và Hàn Quốc là một phần trong giải pháp mà Seoul đã đề xuất với Tokyo để giải quyết vấn đề nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến.
Ủy ban Nhật-Hàn điều hành quỹ hợp tác của doanh nghiệp hai nước ảnh 1Chủ tịch FKI Kim Byong-joon (trái) và Chủ tịch Keidanren Masakazu Tokura. (Nguồn: Korea Times)

Ngày 10/5, tại Tokyo, Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) và Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) đã nhất trí thành lập một ủy ban chung chỉ đạo quỹ hợp tác được thành lập để xúc tiến các hoạt động trao đổi tư nhân giữa hai nước.

Động thái này được thực hiện trong bối cảnh quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc đang được cải thiện nhanh chóng trong hai tháng qua. 

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, dự kiến, ủy ban chung sẽ do quyền Chủ tịch FKI Kim Byong-joon và Chủ tịch Keidanren Masakazu Tokura đồng chủ tịch.

Quỹ hợp tác chung của Nhật Bản và Hàn Quốc là một phần trong giải pháp mà Seoul đã đề xuất với Tokyo để giải quyết vấn đề nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong giai đoạn phátxít Nhật chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên. Theo đề xuất này, hai nước đã đồng ý thành lập quỹ hợp tác, giao cho FKI và Keidanren điều hành.

[Nhật-Hàn đạt tiến triển trong giải quyết vấn đề lao động thời chiến]

FKI cho biết quỹ hợp tác sẽ hoạt động như một cơ sở để thúc đẩy hợp tác công nghiệp trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, an ninh năng lượng, quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số...

Ngoài ra, quỹ cũng có nhiệm vụ tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi thanh niên, chẳng hạn như trao đổi giữa các trường đại học và hoặc trao đổi thực tập sinh.

FKI và Keidanren dự kiến sẽ tổ chức một diễn đàn hợp tác tại Seoul vào tháng 7/2023 trong nỗ lực thúc đẩy dự án quỹ hợp tác. FKI và Keidanren trước đó cho biết mỗi bên sẽ đóng góp khoảng 100 triệu yen (740.000 USD), tương đương khoảng 1 tỷ won, để khởi động quỹ hợp tác này.

Quan hệ song phương - vốn vướng mắc về các vấn đề lịch sử trong giai đoạn Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên 1910-1945 - đã có một bước ngoặt mới để tan băng kể từ tháng 3/2023, khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đưa ra giải pháp bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng mà không yêu cầu các công ty Nhật Bản phải đóng góp.

Đề xuất này đã nhận được hưởng ứng của Tokyo, mở đường cho Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến thăm Seoul trong hai ngày 7-8/5, đánh dấu việc nối lại “ngoại giao con thoi” với các chuyến thăm trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước sau 12 năm gián đoạn./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục